Xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn

Hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, Long An đã và đang xây dựng các chuỗi liên kết nông sản an toàn, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Việc liên kết sản xuất không chỉ góp phần gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ với giá ổn định cho người nông dân; đây cũng là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ mang lại nhiều hiệu quả. Ảnh: ITN

Phát huy hiệu quả các chuỗi liên kết

Được biết đến là đơn vị thành công với sản xuất thanh long VietGAP, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Phú Long, huyện Châu Thành là một trong những đơn vị đi đầu về việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, với gần 60ha thanh long sản xuất theo hướng sạch và ứng dụng một phần công nghệ cao. Trong đó, có 3ha thanh long sản xuất theo hướng hữu cơ và hiện 3ha này đã được bao tiêu toàn bộ với giá 25.000 đồng/kg. Dù giá vẫn chưa cao nhưng nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân giảm được chi phí đầu vào nên lợi nhuận vẫn được bảo đảm.

Xác định sản phẩm nông nghiệp an toàn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào phát triển sản phẩm chanh sạch, nâng cao giá trị kinh tế, hướng đến xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Cùng với 14ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGAP, hợp tác xã còn mạnh dạn đầu tư nhà xưởng sản xuất, dây chuyền sơ chế, phân loại chanh; cũng như thực hiện liên kết tiêu thụ, thu mua tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu chanh đến nhiều thị trường như châu Âu, Trung Đông, Singapore…

Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh cho hay, những năm trước đây, sản phẩm rau của hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ ở chợ truyền thống hoặc bán cho thương lái chứ chưa có hợp đồng tiêu thụ. Nông dân sản xuất vất vả nhưng giá bán không cao. Sau khi tìm hiểu và nhận thấy tính hiệu quả khi tham gia liên kết, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của địa phương, hợp tác xã đã tập trung tổ chức lại sản xuất, tập huấn, đào tạo cho các thành viên về sản xuất sạch theo hướng VietGAP. Đến nay, tất cả sản phẩm rau của hợp tác xã đều được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, bảo đảm các khâu từ sơ chế đến đóng gói bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có đầu ra ổn định với giá bán cao hơn thị trường từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Là một trong những tổ hợp tác vừa sản xuất và tiêu thụ rau thủy canh cho người dân trên địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, Tổ hợp tác Rau thủy canh Xuân Huy Thịnh là địa chỉ uy tín trong cung cấp cho thị trường các loại rau cải sạch. Đây là mô hình sản xuất rau có quy mô lớn đánh dấu sự phát triển nông nghiệp trong đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giuộc. Nhờ có “nền tảng” sản phẩm rau đạt chất lượng, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, Tổ hợp tác chủ động xúc tiến, ký kết hợp đồng cung ứng rau an toàn với một số siêu thị, cửa hàng rau an toàn, bếp ăn tập thể tại Long An và TP. Hồ Chí Minh và với sản lượng 1,5 tấn/ngày; giá trị sản phẩm cao gấp 1,5 – 2 lần so với khi chưa triển khai sản xuất theo mô hình chuỗi.

Kiểm soát chất lượng của sản phẩm

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, việc tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị đã giúp nông dân định hướng sản xuất theo kế hoạch, bám sát nhu cầu thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập. Việc tham gia chuỗi liên kết cũng giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác ổn định được giá và sản lượng đầu ra, kiểm soát được chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Từ đó, nâng cao uy tín, mở rộng thị trường và quy mô thương mại.

Nhằm đẩy mạnh phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân để tiêu thụ nông sản cũng như mở rộng xuất khẩu sản phẩm, thời gian tới, tỉnh Long An sẽ đẩy tuyên truyền hơn nữa về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản đến với người dân; quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện của thị trường nhập khẩu sản phẩm.

Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các hợp tác xã, nhân dân, doanh nghiệp kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, chế biến sâu; kết nối doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, cùng với việc tiếp tục quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Song song với đó, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị để bảo đảm đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng đến chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới.

Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây