Sau khi mất đi “ánh hào quang”, ngành gia vị Indonesia có thể lấy lại vinh quang một lần nữa hay không?

STNN – Indonesia, một quốc gia được biết đến với tên gọi “đất nước vạn đảo,” nằm ở khu vực Nam Thái Bình Dương, đã từng được biết đến như một “vương quốc gia vị.” Trong quá khứ, Indonesia đã là một trong những nhà cung cấp gia vị quan trọng và đóng góp to lớn cho việc hình thành “con đường tơ lụa” trên biển (còn được gọi là “con đường gia vị”), kết nối Đông Nam Á và châu Âu.

Tuy nhiên, ngày nay, ngành công nghiệp gia vị của Indonesia đã mất đi sự nổi bật trước đây, và thậm chí một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao vẫn phải được nhập khẩu. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp gia vị Indonesia? Và các biện pháp nhằm thúc đẩy sự “trở lại vẻ vang” của ngành gia vị được chính phủ Indonesia thực hiện trong những năm gần đây có thành công hay không, điều này vẫn cần phải chờ thời gian giải đáp.

“Quê hương của gia vị”

Quần đảo Indonesia rất giàu gia vị. Quần đảo Banda ở phía đông Maluku, còn được gọi là “quần đảo gia vị”, là quê hương của hạt nhục đậu khấu. Căn cứ theo số liệu của Hiệp hội gia vị, trên thế giới có khoảng 400 đến 500 loại gia vị, trong đó riêng ở Đông Nam Á có 275 loại, tập trung nhiều nhất ở Indonesia. Vì thế, Indonesia còn được mệnh danh là “quê hương của các loại gia vị”.

Kể từ thời Trung Cổ, Indonesia đã là một trong những nhà cung cấp gia vị quan trọng cho thế giới. Hàng ngàn năm trước “thời đại khám phá” của những nhà hàng hải nổi tiếng như Columbus, các loại gia vị của Indonesia cổ đã được du nhập vào các nước châu Á. Nghiên cứu cho thấy, kể từ thời nhà Hán, các loại gia vị từ Đông Nam Á ngày nay đã du nhập vào Trung Quốc, đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Tống và nhà Nguyên, rồi tiếp tục tồn tại cho đến thời nhà Minh và nhà Thanh, kéo dài hàng nghìn năm. Phải đến khi các cường quốc thực dân phương Tây xuất hiện, hoạt động buôn bán gia vị giữa Trung Quốc và Indonesia mới buộc phải bị gián đoạn. Theo ghi chép lịch sử, cho đến cuối thế kỷ 18, Indonesia vẫn đang là nước sản xuất đinh hương duy nhất trên thế giới.

Khoảng thế kỷ thứ 7, gia vị Indonesia được vận chuyển từ Nam Á đến Trung Đông và châu Âu thông qua các thương nhân Ả Rập và thương nhân Trung Quốc. Năm 1453, Constantinople bị người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman chiếm, giá gia vị tăng vọt. Năm 1521, với chuyến hàng đinh hương quy mô lớn đầu tiên đến Tây Ban Nha từ Vương quốc Tidore, ngày nay là tỉnh Bắc Maluku, tin tức Indonesia có một lượng gia vị lớn bắt đầu lan truyền như cháy rừng. Những người châu Âu khao khát gia vị bắt đầu mở ra những chuyến hành trình khám phá gia vị phương Đông và bắt đầu một cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Indonesia.

Người Hà Lan cuối cùng đã giành được ưu thế và biến Indonesia thành thuộc địa của riêng họ. Vào thời điểm đó, hạt nhục đậu khấu có giá trị hơn vàng. Để kiểm soát đảo Banda, vùng sản xuất hạt nhục đậu khấu duy nhất lúc bấy giờ, người Hà Lan thậm chí còn trao đổi New Amsterdam (nay là Manhattan, New York) với người Anh vào năm 1677. Thống kê cho thấy gia vị Indonesia từng mang lại khối tài sản lớn cho thực dân Hà Lan, chiếm tới 15% tổng sản phẩm quốc dân của chính quyền thuộc địa Hà Lan vào thời kỳ đỉnh cao. Sau khi giành được độc lập vào năm 1945, Indonesia đã tiếp quản gần 500 đồn điền gia vị từ thực dân Hà Lan.

Sự thịnh vượng không còn nữa

Sau hai thế kỷ thịnh vượng, ngành gia vị của Indonesia bắt đầu suy thoái. Suy cho cùng, việc sa mình trong vinh quang của quá khứ và không tiến lên có lẽ là nguyên nhân chính của tình trạng này, bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành gia vị thế giới cũng là một nguyên nhân quan trọng. Một mặt, mô hình thị trường gia vị toàn cầu đã trải qua những thay đổi to lớn.

Theo báo cáo phân tích do một ấn phẩm có uy tín của ngành công bố, trong số năm loại gia vị đắt nhất thế giới vào năm 2021, sản phẩm đại diện của ngành gia vị Indonesia là “đậu vani” đã thua nghệ tây và phấn hoa thì là, với thứ hạng bị tụt xuống vị trí thứ ba. Indonesia cũng tụt hậu so với Madagascar và Mexico về xuất khẩu vani.

Châu Âu, nơi chiếm khoảng 1/4 lượng gia vị nhập khẩu của thế giới, đã mất đi cơn sốt gia vị Indonesia trước đây. Trong những năm gần đây, nhu cầu chung về gia vị và thảo mộc ở châu Âu thực tế đã tăng nhanh, nhưng sự gia tăng này dường như không mang lại lợi ích gì cho Indonesia. Năm 2021, xuất khẩu gia vị của Indonesia sang Hà Lan chỉ đạt 43 triệu euro, thị phần 24%; xuất khẩu sang EU là 100 triệu euro, thị phần 11%.

So với thị trường châu Âu đang bị thu hẹp không ngừng, các nước châu Á đã dần phát triển thành thị trường chính của gia vị Indonesia. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia, Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 275.300 tấn gia vị, cây thuốc và hương liệu vào năm 2020, với giá trị xuất khẩu là 618,4 triệu USD. Thái Lan là nước nhập khẩu gia vị lớn nhất của Indonesia, tiếp theo là Ấn Độ. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của gia vị Indonesia với khối lượng nhập khẩu 18.950 tấn và giá trị nhập khẩu 89,02 triệu USD. Hoa Kỳ và Việt Nam lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 với 12.900 tấn, giá trị nhập khẩu 85,5 triệu USD và 9.350 tấn với giá trị nhập khẩu 38,3 triệu USD.

Mặt khác, sự cạnh tranh trong ngành gia vị thế giới ngày càng trở nên khốc liệt. Quá trình này thậm chí đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước. Một ví dụ cổ điển là hạt nhục đậu khấu. Mặc dù thực dân Hà Lan đã cố gắng kiểm soát quyền kinh doanh độc quyền hạt nhục đậu khấu ở Indonesia trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng họ vẫn không ngăn được dòng hạt nhục đậu khấu tràn ra ngoài. Năm 1769, nhà làm vườn người Pháp Pierre Poivre đã buôn lậu thành công một số hạt nhục đậu khấu từ đảo Banda đến Mauritius, chấm dứt sự độc quyền của Hà Lan về hạt nhục đậu khấu trong lịch sử. Sau đó, Công ty Đông Ấn Anh đã trồng thành công hạt nhục đậu khấu ở Singapore, Ấn Độ, Tây Ấn và Grenada. Grenada hiện là nước sản xuất hạt nhục đậu khấu lớn thứ hai thế giới.

Ngoài ra, việc Indonesia không duy trì được vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực thế mạnh truyền thống cũng là một nguyên nhân quan trọng. Không thể phủ nhận hồ tiêu từng là “nhân vật chính” trong lịch sử buôn bán gia vị của Indonesia. Nhưng theo số liệu từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia, Indonesia hiện lại trở thành nước nhập khẩu chính loại gia vị này. Trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu của Indonesia tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài hạt tiêu, Indonesia còn nhập khẩu đinh hương từ Madagascar, Singapore và Anh. Trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu đinh hương của Indonesia đạt 2.818 tấn, tăng 12,2% so với 2.511,2 tấn của năm trước. Indonesia cũng nhập khẩu ớt từ các nước như Việt Nam, Thái Lan, Australia và Malaysia. Cũng trong nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu ớt của Indonesia đạt 15,28 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tái tạo vinh quang

Trong những năm gần đây, Indonesia đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm khôi phục ngành công nghiệp gia vị, bao gồm tăng cường quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu, trồng giống mới và tăng sản lượng. Về vấn đề này, Chính phủ Indonesia rất tự tin. Một mặt, nhu cầu gia vị ngày càng tăng trên thế giới mang lại không gian thị trường rộng lớn cho ngành gia vị toàn cầu. Theo các ước tính liên quan, bước vào thế kỷ mới, nhu cầu về gia vị trên thế giới đang tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm ít nhất là 7%. Mặt khác, nhu cầu của thị trường về chất lượng gia vị và các loại gia vị mới ngày càng tăng cũng mang lại lợi thế cho Indonesia, quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên vượt trội và đa dạng.

Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia Mukhakir Effendi cho biết, nguồn gia vị phong phú của Indonesia chắc chắn sẽ giúp Indonesia lấy lại vinh quang trên trường thế giới, vì “gần như toàn bộ quần đảo đều sản xuất các loại gia vị có giá trị kinh tế”.

Vào tháng 4 năm 2021, Indonesia đã ra mắt Diễn đàn Công nghiệp Gia vị Bền vững SSI-I (SSI INDONESIA). Thứ trưởng phụ trách điều phối kinh doanh nông sản và thực phẩm của Bộ Điều phối Kinh tế cho biết, mục tiêu của việc tổ chức diễn đàn là tìm hiểu các biện pháp liên quan để trao quyền cho người trồng nhỏ, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và tăng số lượng các biện pháp có thể có tác động tích cực đến cuộc sống của người nông dân và môi trường. Trước đó, SSI-I đã ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp Indonesia về “Hỗ trợ phát triển bền vững các mặt hàng gia vị và cây thuốc xuất khẩu”.

Vào tháng 8 cùng năm, Indonesia công bố kế hoạch “Gia vị Indonesia mang lại niềm vui cho thế giới” nhằm mở rộng xuất khẩu gia vị và nâng cao ảnh hưởng quốc tế của ẩm thực Indonesia. Sandiaga Uno, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, cho biết kế hoạch này là chiến lược quốc gia được xác định sau thiết kế cấp cao nhất và sẽ mở lại tuyến đường “Con đường gia vị hiện đại” qua Nam Á, Trung Đông và châu Âu, kéo dài từ Indonesia đến New York, Mỹ. Kế hoạch đầy tham vọng này hướng đến mục tiêu bao gồm thành lập 4.000 nhà hàng đặc sản Indonesia ở nước ngoài và tăng xuất khẩu gia vị lên 2 tỷ USD vào năm 2024.

Chương trình “Gia vị Indonesia mang niềm vui đến cho thế giới”.

Vào tháng 6 năm ngoái, Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia cùng với các cơ quan khác đã cùng khởi động chuyến tham quan thân mật “Con đường gia vị”. Trong một tháng, 143 đại diện từ 34 tỉnh ở Indonesia đã lên tàu du lịch và tái hiện chuyến đi “con đường gia vị” lịch sử. Mukhakir Effendi cho biết, sự kiện này là nền tảng nhằm thúc đẩy trao đổi văn hóa xuyên khu vực và sẽ được tổ chức hàng năm trong tương lai. Ông cũng cho biết Indonesia sẽ nộp đơn lên UNESCO, hy vọng “Con đường gia vị” này có thể trở thành di sản thế giới.

Vào tháng 12 năm ngoái, SIDO MUNCUL, một công ty dược phẩm thảo dược truyền thống ở Semarang, Indonesia, đã công bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu Cây gia vị Indonesia, tập trung vào việc nhân giống cây gia vị để hỗ trợ phục hồi ngành công nghiệp gia vị địa phương.

Chử Cường – Minh Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây