An Giang: Nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm

STNN – Nhằm nâng cao năng lực về sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và các đơn vị đã liên tục mở các lớp tấp huấn để hướng dẫn cho các hợp tác xã, người nông dân.

Ngày 13/6/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đã tổ chức 03 lớp tập huấn: Tập huấn nâng cao năng lực chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao, năng lực tiếp cận thị trường cho hợp tác xã, tổ hợp tác cho 50 nông dân (Mã hoạt động NN-C1-2 lĩnh vực rau màu) và 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất ở các ngành hàng cho 70 nông dân (mã hoạt động NN-C3-1 lĩnh vực cây ăn trái và chăn nuôi). Theo đó, các lớp tập huấn này được thực hiện theo Quyết định số 294/QĐ-SNNPTNT ngày 30/3/2023 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh An Giang (Sở NN&PTNT) về việc ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao năm 2023.

Các lớp tập huấn này sẽ phổ biến các thông tin, chính sách hỗ trợ cho tổ chức nông dân, xúc tiến các chuỗi liên kết tiêu thụ rau màu và kinh nghiệm phát triển các loại hình dịch vụ hợp tác xã, tổ hợp tác; Hướng dẫn phần mềm phục vụ quản trị nông nghiệp/sản xuất và tiêu thụ rau màu cho hợp tác xã, tổ hợp tác; Cập nhật các giải pháp kỹ thuật khoa học và công nghệ áp dụng vào canh tác rau màu theo hướng hiện đại và bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả lĩnh vực rau màu.

Thông tin về kỹ thuật, công nghệ hiệu quả áp dụng vào sản xuất cây ăn trái, chăn nuôi; Giới thiệu giống cây trồng, vật nuôi tiềm năng; Một số lưu ý trong khuyến cáo hạ giá thành sản phẩm; Các mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững lĩnh vực cây ăn trái và chăn nuôi; Thông tin các kênh hỗ trợ liên kết tiêu thụ các sản phẩm; Hướng dẫn sử dụng công cụ mạng xã hội để quảng bá, kết nối thông tin tiêu thụ sản phẩm, để tiếp cận thông tin sản xuất và thị trường…

Tỉnh An Giang đang nỗ lực để nâng cao năng lực về sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn sẽ giúp cho người nông dân tham gia sản xuất tiếp cận với các trang mạng xã hội nhằm quảng bá, kết nối thông tin để tiêu thụ sản phẩm của mình. Ngoài ra nội dung tập huấn cũng định hướng, đề ra các giải pháp cho người sản xuất về việc phát triển hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị.

Cụ thể, các giải pháp về thị trường là kết nối cung – cầu, mời gọi doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm nông nghiệp trên các hệ thống điện tử, mạng xã hội, báo, đài… Các hộ sản xuất tăng cường xây dựng liên kết ngang (hợp tác xã, tổ hợp tác…) để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu. Các giải pháp về kỹ thuật – khoa học công nghệ là việc sử dụng các giống có chất lượng, năng suất cao; được chia sẻ thông tin ứng dụng các thiết bị công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất.

Cùng với đó là các giải pháp về chính sách như: hỗ trợ sản xuất tham gia xây dựng mô hình (cây, con giống, vật tư, trang thiết bị sơ chế …) theo theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 5/4/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Trước đó, ngày 09/6/2023 tại xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành), Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành mở lớp tập huấn kỹ thuật ương cá tra từ bột lên giống trong ao đất. Nội dung này là bước khởi đầu của dự án “Xây dựng mô hình ương cá tra hai giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, giai đoạn 2023-2024”. Đến tham dự lớp tập huấn có 30 nông dân là các hộ ương nuôi cá tra giống của 2 huyện Châu Thành và Phú Tân, đại diện trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, huyện Phú Tân, Hội Nông dân xã Vĩnh Hanh đến tham dự lớp tập huấn.

Mục đích của buổi tập huấn này nhằm giúp người nông dân được trang bị một số kiến thức cần thiết cho các hộ nuôi cá tra giống để thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của mô hình dự án sẽ triển khai tại hai địa phương này nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với kỹ thuật ương nuôi theo phương pháp truyền thống. Nội dung tập huấn xoay quanh kỹ thuật ương hai giai đoạn từ cá bột lên cá hương và cá hương lên cá giống. Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp và một số vấn đề kỹ thuật ương cá tra theo hướng an toàn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu, phương thức tổ chức liên kết với doanh nghiệp cũng được phổ biến cho người nuôi nhằm giúp người nuôi an tâm sản xuất và sản xuất đạt hiệu quả để phát triển nghề nuôi một cách bền vững.

Tương tự, ngày 5/6/2023 tại HTX Phú Thạnh (huyện Phú Tân), Ban Quản Lý Dự án Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh tỉnh An Giang (Ban Quản lý dự án GIC)  cũng đã phối hợp với Văn phòng GIZ Hà Nội và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã tổ chức tập huấn sản xuất phân hữu cơ từ rơm, sử dụng máy đảo phân và xây dựng mô hình kinh doanh hợp tác xã; với sự hướng dẫn, chia sẻ của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn cùng với sự tham gia của các đơn vị hỗ trợ kỹ Thuật – trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện các HTX Phú Thạnh, HTX Vĩnh Bình, HTX Lộc Phát 1 và HTX Tây Phú.

Tại buổi tập huấn này, các HTX được hướng dẫn quy trình kỹ thuật làm phân hữu cơ từ rơm, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh; hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy đảo phân,… kết hợp thực hành thực tế tại HTX Phú Thạnh – huyện Phú Tân. Qua đó, đã mang đến cho các học viên các kiến thức hữu ích về nền nông nghiệp hữu cơ, tận dụng được nguồn phụ phế phẩm từ rơm rạ để sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đất, giải quyết được tình trạng đốt đồng làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái đồng ruộng… Đồng thời là cơ sở từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân trong quá trình canh tác truyền thống sang canh tác lúa theo hướng hữu cơ, quá đó góp phần làm giảm lượng phát thải cacbon (một trong những loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính) giúp bảo vệ môi trường, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Anh Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây