Bí ẩn cự thạch: Những ngôi drakospita – “nhà rồng” ở Hy Lạp

STNN – “Nhà rồng” drakospita là những công trình kiến ​​trúc cự thạch bí ẩn được xây dựng mà không cần tới vữa hay vật liệu gắn kết.

Nhắc đến Hy Lạp là chúng ta nhắc đến một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại. Ngoài văn học chiếm một vị trí quan trọng thì kiến trúc Hy Lạp ngay từ thời cổ đại đã rất tráng lệ và hoàn mỹ. Nhiều đền đài, công trình công cộng vẫn còn tồn tại đến ngày nay, như: đền Parthenon, đền thờ thần Zeus, quảng trường Athens. Và thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua những công trình kiến ​​trúc cự thạch bí ẩn mà người Hy Lạp gọi là drakospita hay ngôi “nhà rồng”.

Những ngôi “nhà rồng” lần đầu tiên thu hút sự chú ý của quốc tế khi nhà địa chất người Anh John Hawkins phát hiện ra những cấu trúc kỳ lạ khi leo lên núi Ochi (còn được viết là Oche) vào ngày 21/10/1797. Nhiều năm sau đó, mặc dù nhiều nhà khảo cổ học đã bị thu hút bởi những ngôi “nhà rồng” nhưng họ vẫn chưa khám phá hết được bí ẩn đằng sau các công trình cổ đại này.

Giống như Kim tự tháp, nhà cự thạch drakospita là những công trình kiến ​​trúc được xây dựng mà không cần tới vữa hay vật liệu gắn kết. Tại đây, những viên đá nhỏ, mỏng, phẳng xếp chồng lên nhau, được giữ cố định bằng cách sử dụng các thanh dầm, và những khối cự thạch lớn thì được sử dụng ở nhiều vị trí khác trong khắp các ngôi nhà. Các khối đá lớn thường được bố trí theo kiểu tương tự như những gì được thấy ở Stonehenge.

Có khoảng 23 ngôi nhà kiểu này tồn tại trên đảo Euboea – hầu hết nằm giữa núi Ochi và Styra – mỗi công trình đều được làm bằng cự thạch. Các học giả thực sự bối rối trước câu hỏi: “Làm thế nào mà những khối cự thạch này có thể được nâng cao và đặt trên các cột trụ một cách vững chãi như vậy?”, hay “Những ngôi ‘nhà rồng’ này nằm ở vị trí rất cao, vậy những người xây dựng đã vận chuyển các tảng đá lớn lên đây bằng cách nào và thi công ra sao?”  

Drakospita có “giếng trời” trên mái nhà để lấy sáng.

Cho đến nay, những hiện vật đáng chú ý nhất được tìm thấy trong quá trình khai quật là những mảnh gốm sứ và chữ khắc, một số đồ dùng và xương động vật.

Các nhà nghiên cứu từ Khoa Vật lý Thiên văn tại Đại học Athens cũng tiến hành nghiên cứu các ngôi “nhà rồng” trên núi Ochi từ năm 2002 đến năm 2004. Họ muốn xem liệu các cấu trúc này có phù hợp với bất kỳ đặc điểm thiên văn nào hay không, và kết luận rằng: có mối quan hệ giữa các địa điểm này và sao Sirius. Điều này khiến các nhà nghiên cứu cho rằng những ngôi “nhà rồng” là đài quan sát thiên văn cổ đại. Tuy nhiên, giả thuyết khác lại cho rằng cái gọi là “nhà rồng” có thể thực sự là đền thờ Hera, Zeus. Một số lại cho rằng những tòa nhà cự thạch này là những trạm bố trí lính hoặc chỉ là những nhà kho.

Mái nhà – “nhà rồng” Ochi.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: “Tại sao những tòa nhà này được gọi là drakospita?” Điều đầu tiên người ta phải hiểu là quan niệm của người Hy Lạp cổ đại về rồng không giống như quan niệm hiện nay. Drako, được hiểu là “rồng” ở hiện tại, thực sự là sự mô tả một sinh vật thần thoại giống với nhận thức hiện đại về người khổng lồ. Dựa trên mô tả này, người ta có thể dễ dàng hiểu hơn tại sao những ngôi nhà lớn trên núi này lại được các nhà khảo cổ học đặt tên là drakospita.

Cho đến khi người ta hiểu rõ hơn về cách những tòa nhà này được tạo ra và/hoặc ai đã xây dựng chúng, thì việc coi chúng như nơi ở của thế lực siêu nhiên là một mô tả có vẻ như được nhiều người chấp nhận. Rốt cuộc, ai là người có đủ sức mạnh để nâng và di chuyển những tảng cự thạch này ở thế giới cổ đại?

“Nhà rồng”, Evbia, Hy Lạp.

Mặc dù công dụng của những công trình cự thạch này vẫn chưa được biết rõ nhưng vị trí của chúng có thể rất quan trọng. Cho đến nay, Euboea là hòn đảo duy nhất được biết đến ở Aegean có những ngôi nhà này và núi Ochi, nơi còn sót lại một trong những ngôi “nhà rồng” được bảo tồn tốt nhất, là điểm cao nhất ở phía nam Euboea.

Thái Hòa (TH) – Ảnh: Internet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây