Rồng trong văn hóa Đông – Tây

STNN – Rồng chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của nhiều vùng phương Đông và phương Tây. Trải qua hàng ngàn năm, rồng được miêu tả trong vô số tác phẩm văn học, tranh vẽ và trong các tác phẩm điêu khắc.

Rồng - từ hàng nghìn năm nay, rồng đã chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa phương Đông và phương Tây.
Từ trái qua phải: Rồng các đời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn – Nguồn: Đại Việt Cổ Phong.

Ở Việt Nam, rồng là loài thần thú đứng đầu trong tứ linh (Long – Ly – Quy – Phượng), biểu tượng của bậc đế vương. Hình tượng rồng ở mỗi triều đại lại mang những nét đặc trưng riêng của triều đại ấy: rồng nhà Lý uyển chuyển mềm mại, bờm rồng nhỏ mà tinh tế; rồng nhà Trần cương mãnh, uy vũ, thân hình mập mạp, móng vuốt lớn, râu và vảy cứng cáp; rồng nhà Lê có mào và sừng nhô cao, mắt lồi, chân có 5 ngón sắc nhọn, thân có nhiều mây đao lửa trông rất dữ tợn; rồng nhà Nguyễn mắt to tròn, phía trên đầu có sừng, mũi sư tử, chân cá sấu, năm móng, móng chim ưng, thân to nhưng ngắn và mềm mại, uyển chuyển, đuôi xòe tròn…

Rồng trong văn hóa Trung Hoa đại diện cho quyền lực, khả năng kiểm soát mưa bão, lũ lụt. Đối với người Trung Hoa, rồng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Họ xem rồng như một linh vật đem đến sự may mắn, thịnh vượng, sự hòa hợp và tin rằng rồng thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm, sự thần thánh. Rồng còn là biểu tượng của hoàng gia và sự giàu có, sung túc. Trong quá khứ, các hoàng đế Trung Hoa được cho là hóa thân của rồng. Người Trung Hoa cũng tin rằng rồng mang lại may mắn. Tại các lễ hội lớn nhỏ, luôn có các điệu múa rồng với quan niệm sẽ mang đến nhiều may mắn, tốt lành hơn cho mọi người. Đua thuyền rồng cũng là một hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Rồng phương Tây thì ngược lại, chúng được xem như là biểu tượng của cái ác. Trong nhiều bộ phim, rồng được miêu tả là “trùm cuối” và nhiều câu chuyện khác nhau về các chiến binh diệt rồng đã được lưu truyền cho đến ngày nay. Loài rồng phương Tây được mô tả giống như thằn lằn khổng lồ với bốn chân và hai cánh dang rộng. Một cái đuôi to lớn và mạnh mẽ, móng vuốt và răng nanh sắc nhọn. Chúng sở hữu sức mạnh và phép thuật mạnh mẽ, nhưng lại làm nhiều điều ác, độc ác và tham lam, thường mang lại đau khổ cho nhân loại.

Những hình ảnh rồng mà chúng ta thấy trong phim ảnh và trò chơi ngày nay, đã phát triển và biến đổi qua hàng nghìn năm. Đặc biệt là cách xử lý nghệ thuật ở thời hiện đại, đã khiến hình tượng rồng bị thay đổi hoàn toàn đến mức không thể nhận ra, rất khác so với thời kỳ đầu. Trên thực tế, những hình ảnh vừa nhắc đến là hình ảnh những con rồng trong thần thoại Hy Lạp, Babylon và Ba Tư cổ đại.  

Từ những tác phẩm nghệ thuật được lưu truyền, chúng ta cũng có thể nhận thấy rồng phương Tây nhìn chung có khả năng phun ra lửa rất khủng khiếp. Rồng phương Tây không chỉ có thân hình cường tráng, hàm răng sắc nhọn mà chúng còn có thể phun ra những ngọn lửa khổng lồ từ miệng, còn được gọi là ngọn lửa rồng và hơi thở rồng.

Đây cũng là điều mà nhiều người rất tò mò: “Tại sao rồng phương Tây đều phun ra lửa?” Điều này kỳ thực rất khó kiểm chứng. Chúng ta suy đoán rằng khả năng này có thể đến từ một sinh vật đã tuyệt chủng hay từ một loài côn trùng có tên là bọ cánh cứng thả bom (Bombardier beetle). Loài côn trùng này sống trong rừng và đồng cỏ ở tất cả các vùng ôn đới, nó có tuyến nọc độc ở cuối bụng có khả năng bắn ra chất lỏng ở nhiệt độ cực cao khi gặp nguy hiểm, khiến kẻ thù bị đốt cháy. Và còn có vô số cách suy đoán, lý giải khác nữa.

Có thể nói, rồng phương Đông là một sinh vật tốt đẹp, khôn ngoan và thân thiện chứ không giống như rồng phương Tây, loài vật được kết hợp giữa cái ác và sự hủy diệt.

Chử Cường 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây