Bình Định: Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo

STNN – Nhằm quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vừa qua UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1026/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch: Hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động thủy sản; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định.

Đồng thời, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải được theo dõi, giám sát qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng; 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Định đề ra một số nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong việc triển khai thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025”:

Về quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá

Tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng của tỉnh phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi và quản lý nghề cá theo Luật Thủy sản 2017; tăng cường kiểm tra, giám sát không để phát sinh thêm tàu cá khai thác vùng lộng, ven bờ sai quy định; thực thi hiệu lực, hiệu quả các quy định về vùng cấm, thời gian cấm và nghề cấm hoạt động ở các vùng biển và tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mặt khác, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KTTS hợp pháp ở các vùng biển giáp ranh và ngoài vùng biển Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, nước sở tại và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực; tập trung nguồn lực thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của tỉnh còn hoạt động; hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép KTTS, lắp đặt thiết bị VMS; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển và kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá không đủ điều kiện theo quy định tham gia khai thác hải sản, đặc biệt các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện của toàn bộ tàu cá khi rời cảng, đặc biệt các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá không đủ điều kiện theo quy định tham gia KTTS. Ban Quản lý cảng cá từ chối cho cập cảng và xử lý theo quy định tàu cá không khai báo trước khi cập cảng, không nộp báo cáo, nhật ký khai thác theo quy định (trừ trường hợp bất khả kháng); giám sát toàn bộ sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá theo quy định về khai thác IUU.

Cùng đó, tổ chức trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24 giờ để phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương và giữa các lực lượng chức năng có liên quan; tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin từ tàu cá liên quan đến tình trạng hoạt động của thiết bị VMS, tai nạn, sự cố nghề cá trên biển, các vụ việc tàu cá bị kiểm soát, bắt giữ, xử lý… Tiếp tục tăng cường kiểm tra hiện trạng niêm phong, mở niêm phong thiết bị VMS trên tàu cá để ngăn ngừa các hành vi vi phạm; lập danh sách và cập nhật thường xuyên thông tin tàu cá lắp đặt thiết bị, số liệu niêm phong để phục vụ công tác theo dõi, quản lý,…

Thực thi pháp luật, xử lý vi phạm

Các lực lượng chức năng của tỉnh cần lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi KTTS ở vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nông nghiệp và PTNT để điều tra xử lý 100% vụ việc tàu cá của tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm KTTS bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, răn đe, giáo dục (nếu có).

Bên cạnh đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc cá nhân, tổ chức môi giới đưa tàu cá, tổ chức có hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân KTTS trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài và mua giới đưa tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ trở về Việt Nam trái pháp luật; thanh tra, kiểm tra xử lý các nghiêm các đơn vị cung cấp thiết bị VMS, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị VMS theo quy định; cập nhật 100% kết quả xử phạt hành vi khai thác IUU vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo số hóa quy trình nghiệp vụ theo dõi, giám sát sản phẩm từ khai thác theo toàn bộ chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Đồng thời, rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (bến cá, cảng cá,…) tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại tỉnh Bình Định; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải cập cảng chỉ định; thuyền trưởng phải thông báo trước 01 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.

Kiểm soát 100% sản phẩm thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài tuân thủ đầy đủ theo quy định của Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam (qua cảng Quy Nhơn) bằng tàu Container (nếu có). Bố trí đủ nhân sự tại cảng cá đảm bảo kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thủy sản từ khai thác trong nước, nhập khẩu,..

Thanh Thủy – fistenet.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây