Chiết xuất cây dương xỉ – giải pháp tự nhiên tiềm năng cho việc kiểm soát bệnh và ký sinh trùng trong nuôi cá

STNN – Trong tình trạng ngành nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với những thách thức lớn như việc kiểm soát bệnh và ký sinh trùng, nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học tại Đại học Tổng hợp quốc gia Baltic (IKBFU) và các đồng nghiệp Malaysia đã tìm thấy một giải pháp đầy tiềm năng: chiết xuất cây dương xỉ kiếm khổng lồ (GSF).

Hình minh họa.

Trong ngành nuôi trồng thủy sản, việc kiểm soát bệnh và ký sinh trùng là một thách thức lớn đối với các nhà nuôi cá. Một trong những bệnh nguy hiểm phổ biến nhất đối với cá trong hệ thống nuôi trồng thủy sản là Vibriosis, một bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra. Vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm nhiều loại cá có giá trị thương mại, gây tổn thương và giảm hiệu suất sản xuất. Ngoài ra, sự xâm nhập của các ký sinh trùng cũng là một vấn đề quan trọng trong ngành nuôi trồng thủy sản. Ví dụ điển hình nhất có thể kể tới là loài đỉa ký sinh Zeylanicobdella arugamensis de Silva, 1963 (Hirudinea, Piscicolidae), phát triển mạnh ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ven biển. Cá bị nhiễm bệnh chết nhanh chóng và đỉa ký sinh cũng được cho là góp phần gây ra bệnh Vibriosis nói trên. Tỷ lệ cá chết ngày càng tăng gây thiệt hại đáng kể cho ngành nuôi trồng thủy sản và dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể.

Các nhà khoa học của Đại học Tổng hợp Quốc gia Baltic (IKBFU) đã tìm ra một giải pháp tiềm năng đầy hứa hẹn: sử dụng chiết xuất cây dương xỉ. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại đây, trong dự án được tài trợ bởi Quỹ khoa học Nga, kết hợp với các đồng nghiệp Malaysia cho thấy, cây dương xỉ, một loại cây nhiệt đới, có những đặc tính độc đáo có thể giúp kiểm soát dịch hại trong môi trường nuôi cá. Chiết xuất từ cây dương xỉ chứa nhiều hợp chất hóa học có hoạt tính kháng khuẩn và chống ký sinh trùng, và có thể trở thành một giải pháp thay thế an toàn cho việc sử dụng các hóa chất độc hại trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Theo nghiên cứu, khác với những biện pháp kiểm soát bệnh Vibriosis và ngăn ngừa sự xâm nhập của ký sinh trùng bằng các chất hóa học có thể gây ô nhiễm và tác động xấu tới cá, con người và hệ sinh thái, sử dụng chiết xuất cây dương xỉ kiếm khổng lồ – Nephrolepis biserrata (GSF) dường như là một biện pháp an toàn hơn hẳn. Chúng thể hiện đặc tính kháng khuẩn đáng kể, mạnh hơn 2,5 lần so với chiết xuất metanol và chloroform, đồng thời làm tăng vùng ức chế.

Nghiên cứu xác định được 118 hợp chất có hoạt tính kháng khuẩn và chống ký sinh trùng trong chiết xuất, bao gồm axit cinnamic và nicotinamide. Đồng thời, trong quá trình phân tích thành phần trao đổi chất của chiết xuất cây dương xỉ, họ xác định rằng flavonoid và phenolics, được biết đến với đặc tính kháng khuẩn và ký sinh trùng, là những chất chuyển hóa chiếm ưu thế nhất trong chiết xuất. Những chất chuyển hóa này không chỉ tồn tại trong cây dương xỉ, mà còn có thể được tìm thấy trong các loài thực vật khác có tính kháng khuẩn và chống ký sinh trùng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng chiết GSF có thể là một giải pháp thay thế tự nhiên, an toàn và hiệu quả để kiểm soát bệnh và ký sinh trùng. Nó không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của cá mà còn bảo vệ môi trường và hệ sinh thái xung quanh.

Hơn thế, trong tình hình những hóa chất độc hại, các chất ô nhiễm không chỉ gây hại cho cá, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và tổn hại cho toàn bộ hệ sinh thái vẫn còn phổ biến trong ngành nuôi trồng thủy sản, việc tìm ra giải pháp thay thế bằng cách sử dụng các tác nhân kiểm soát sinh học như cây dương xỉ rất quan trọng.

Bên cạnh đó, ngoài khả năng chống ký sinh trùng, chiết xuất cây dương xỉ còn có thể có tác dụng kháng khuẩn. Điều này mang lại lợi ích đáng kể trong việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác mà cá có thể gặp phải. Với những đặc tính này, cây dương xỉ có tiềm năng trở thành một phương pháp kiểm soát bệnh và ký sinh trùng hiệu quả trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, bởi việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển các phương pháp kiểm soát tự nhiên khác cũng là một hướng đi quan trọng để nâng cao hiệu quả và bảo vệ sức khỏe của ngành nuôi trồng thủy sản, việc phát triển nghiên cứu để tối ưu hóa việc sử dụng cây dương xỉ trong ngành nuôi trồng thủy sản là một điều cần thiết. Cần xác định cách thức ứng dụng và liều lượng phù hợp để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Ngoài ra, cần quan tâm đến khả năng ứng dụng thực tế của cây dương xỉ trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản khác nhau và đánh giá tác động của nó lên hiệu suất sản xuất và chất lượng cá nuôi.

Tóm lại, việc sử dụng chiết xuất cây dương xỉ (GSF) trong ngành nuôi trồng thủy sản là một biện pháp tiềm năng giúp kiểm soát bệnh và ký sinh trùng một cách tự nhiên, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, điều này đòi hỏi cũng sự tiếp tục nghiên cứu và phát triển để tối ưu hóa việc sử dụng cây dương xỉ và đảm bảo sự bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai.

Minh Huyền (TH)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây