Đài Loan: Từ đảo thuốc trừ sâu đến đảo sinh thái (kỳ 2)

STNN – Những vụ ngộ độc được đăng tải hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, điều này khiến người dân Đài Loan lo lắng, việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ cũng chính thức được khởi động vào thời điểm ấy.

Từ Polychlorinated biphenyl tới phong trào xanh

Thế hệ người Đài Loan lớn tuổi vẫn còn nhớ đến “vụ ngộ độc Polychlorinated biphenyl” (viết tắt là PCB – là một nhóm các hợp chất nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong quá khứ, chủ yếu trong các thiết bị điện nhưng chúng đã bị cấm vào cuối những năm 1970 ở nhiều nước bởi những nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe), bởi chính vụ việc này đã “khơi nguồn” cho hàng loạt phong trào xanh ở Đài Loan.

Mùa hè năm 1979, tại Đài Trung, những kẻ vô lương tâm đã sử dụng dầu cám gạo nhiễm PCB để làm dầu ăn. Nhiều người dùng loại dầu ăn này da bị lở loét, sẫm màu. Mấy nghìn người bị hại, người Đài Loan từ đây bắt đầu chú ý toàn diện đến nguồn gốc thực phẩm. Ngoài vụ ngộ độc PCB, còn xảy ra vụ rượu giả. Giáo sư Sài Tùng Lâm đã lên tiếng, tập hợp một số luật sư, giáo sư và học giả để thành lập “Quỹ giáo dục và văn hóa người tiêu dùng”, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Đài Loan.

Tổ chức Người tiêu dùng bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm khác nhau trên thị trường hai lần một tuần, từ hàng khô từ Bắc vào Nam, dược liệu thuốc Đông y, thậm chí cả trầu cau, bó hoa cô dâu, rau củ quả…, tất cả đều được kiểm tra. Họ tự bỏ tiền để mua các sản phẩm này trên thị trường, rồi gửi các mẫu sản phẩm đến các cơ quan kiểm nghiệm chuyên nghiệp để kiểm tra, đồng thời tổ chức họp báo thường xuyên để công bố kết quả kiểm định cho công chúng. Vì Quỹ Bảo vệ Người tiêu dùng là một tổ chức không nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, nên những dữ liệu họ công bố có độ tin cậy rất lớn đối với người tiêu dùng và cũng chính vì sự ra đời của Quỹ Bảo vệ Người tiêu dùng, mà cơ quan có thẩm quyền là Bộ Y tế Đài Loan cũng đã đã bắt đầu tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các loại thực phẩm khác nhau trên thị trường và thông báo cho công chúng.

Năm, sáu năm sau khi thành lập Tổ chức Người tiêu dùng, một vụ việc khác lại xảy ra ở thị trấn Đại Lí, Đài Trung, người dân biểu tình phản đối ô nhiễm từ Nhà máy thuốc trừ sâu Tam Hoảng, buộc chính quyền Đài Loan phải thành lập “Cơ quan bảo vệ môi trường”.

Theo thống kê từ hệ thống nông học của Đại học Quốc gia Chung Hsing (Đài Trung), mức sử dụng thuốc trừ sâu trung bình hàng năm của Đài Loan giai đoạn 1990 – 1995 là 37.000 tấn, tiêu tốn 4,1 tỷ Đài tệ, đứng đầu châu Á và được mệnh danh là “Vương quốc thuốc trừ sâu”. Theo số liệu từ Tổ chức Người tiêu dùng, nếu chia tổng lượng thuốc trừ sâu sử dụng hàng năm cho dân số, thì ở thời điểm đó, mỗi người ở Đài Loan tiêu thụ 2 kg thuốc trừ sâu mỗi năm.

“Có một thời gian, các bệnh viện lớn ở Đài Loan đều có khoa chống độc đặc biệt để xử lý những ca ngộ độc thuốc trừ sâu!” – Chu Mỹ Huệ nói. Bà từng cùng chồng du học ở Đức, rất ấn tượng với việc Đức thúc đẩy năng lượng mặt trời và công nghiệp xanh. Sau khi trở về Đài Loan, bà đã mạnh mẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo. Thêm nữa, người nhà của bà, Đới Đông Nguyên, còn là Giám đốc của Bệnh viện Đại học Đài Loan, nên bà cảm nhận được sâu sắc về tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu của người Đài Loan.

Ảnh: Trồng cây xanh ở Đài Loan.

Thống kê cho thấy, từ năm 1959 – 1981, tổng cộng 28.358 người ở Đài Loan bị nhiễm độc nặng do thuốc trừ sâu; trong đó, có 26.877 người bị nhiễm độc do phun thuốc: Parathion diệt cỏ, thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ và các hợp chất kim loại khử trùng. Vì vậy, khoa chống độc của các Bệnh viện Đài Loan trước đây khá có kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ ngộ độc thuốc trừ sâu này. “Lúc đó, vào ban ngày, các bệnh viện ở Đài Loan tiếp nhận những bệnh nhân đầu óc không tỉnh táo hoặc nhịp tim nhanh và mặc quần áo như nông dân, thì 99% ngộ độc do ba loại trên gây ra!”, một bác sĩ cho biết.

Những vụ ngộ độc được đăng tải hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, điều này khiến người dân Đài Loan lo lắng, việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ cũng chính thức được khởi động vào thời gian này.

Năm 1985, chính quyền Đài Loan bắt đầu đánh giá tính khả thi của nông nghiệp hữu cơ ở Đài Loan. Năm 1991, họ chính thức đưa phương pháp canh tác tự nhiên “MOA” nổi tiếng nhất của Nhật Bản vào sản xuất nông nghiệp. Sau đó, mới có cái gọi là chứng nhận hữu cơ, các chuỗi cửa hàng hữu cơ nở rộ khắp nơi, đã ra đời vào thời điểm này.

Diệu Huyền (lược dịch, theo Cuộc sống hữu cơ tự nhiên)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây