Đài Loan: Từ “đảo thuốc trừ sâu” đến đảo sinh thái (kỳ 1)

STNN – Khi bạn đang uống một tách trà thảo mộc hữu cơ có xuất xứ từ một trang trại hữu cơ ở Đài Loan, thật khó để tưởng tượng rằng, trước đây Đài Loan được mệnh danh là “vương quốc thuốc trừ sâu”.

Tại một trang trại thí nghiệm

Đài Loan vào tháng Giêng gió rất lạnh, nhưng bà Chu Mỹ Huệ vẫn cùng chồng là Đới Đông Hùng bận rộn ngoài đồng. Hai vợ chồng bà, một người là giáo sư ngành Thiết kế tại Đại học Shih Chien (trường đại học tư thục ở Đài Bắc và Cao Hùng), còn một người là chánh án của Viện Tư pháp và là giáo sư có có tiếng về luật dân sự Đài Loan. Hai vợ chồng nay đã gần 70 tuổi vẫn ra đồng tự trồng rau, canh tác hữu cơ, biến rác thải thực phẩm thành vàng.

Bà Chu Mỹ Huệ đã sống ở Đức hơn mười năm, chịu ảnh hưởng của nhà khoa học người Đức Rudolf Steiner (năm 1924 đề xuất khái niệm Nông nghiệp sạch tự nhiên, là người tiên phong của nông nghiệp hữu cơ hiện đại) để thúc đẩy canh tác hữu cơ ở Đài Loan. “Hôm nay không làm, ngày mai sẽ hối hận!” – Chu Mỹ Huệ nói – “Tôi cảm thấy không thể tự tin 100% nếu chỉ mua nguyên liệu từ các cửa hàng hữu cơ, vì vậy tôi quyết định tự làm!”

Hơn mười năm trước, bà bắt đầu quảng bá việc tự trồng rau ở Đài Loan. Vợ chồng bà cải tạo ngôi biệt thự ở quận Tam Chi (thành phố Tân Bắc) thành Nhà mô hình về năng lượng tái sinh và một trang trại thực nghiệm đã được mở ở quận Trung Lịch (thành phố Đào Viên). Khi “cuộc chiến rác thải” nổ ra ở Trung Lịch hơn 10 năm trước, Chu Mỹ Huệ và người bạn Trang Ngọc Long đã thúc đẩy phương pháp biến rác thải thực phẩm thành vàng.

Trang trại thử nghiệm nằm gần khách sạn South Garden ở Trung Lịch, đất được cung cấp bởi các sinh viên của Chu Mỹ Huệ, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Trang Ngọc Long. Quy mô của trang trại thử nghiệm dần thành hình, đặc biệt là một tháp phát điện gió được xây dựng bên cạnh trang trại. Toàn bộ trang trại dựa hoàn toàn vào nguồn điện cung cấp từ tháp gió này, nước ao trong ao sinh thái đủ để tưới cho cây trồng trong toàn trang trại.

“Để ăn uống lành mạnh, tuyệt đối không được dùng thuốc trừ sâu. Ngoài việc “tiêu diệt” độ pH của đất, thuốc trừ sâu cũng có thể tạo ra các yếu tố gây ung thư trong cơ thể con người!” – Chu Mỹ Huệ nhấn mạnh, vì thế, phân bón trong trang trại thử nghiệm hoàn toàn được làm từ phân hữu cơ có nguồn gốc từ rác thải nhà bếp. Trang Ngọc Long chỉ vào đống đất đen rìa trang trại, “đống vàng” này được hình thành sau nhiều tháng lên men rác thải nhà bếp.

Người “hướng dẫn công nghệ ủ phân” Trang Ngọc Long, vốn là Chủ tịch Hiệp hội quản lý trang trại Đài Loan, từng đoạt giải thưởng “Top 10 thanh niên nông nghiệp xuất sắc” ở Đài Loan, có nghiên cứu sâu rộng về phát triển nông nghiệp của Đài Loan trong nhiều thập kỷ qua và cũng là người có kiến ​​thức sâu rộng về cách trồng rau tốt!

“Bí quyết của tôi là ủ phân!” – Bà Trương nói – “Chúng tôi từng đến cảng cá Phú Cơ ở Đài Bắc để xin hải sản hỏng/thải loại của người dân để làm phân bón, và các loại rau trồng ra đặc biệt to đẹp!” Có rất nhiều điều cần biết về việc ủ phân: Cá là nguyên liệu có hàm lượng đạm cao nhất, cộng ít lá khô; đồng thời, nhiệt độ phân ủ phải đủ để chất hữu cơ lên ​​men, phải diệt được trứng của côn trùng để tránh việc chúng sẽ sinh sôi nảy nở, ảnh hưởng đến sự phát triển của trái cây và rau quả sau này. Trong quá trình lên men, phải kiểm soát để không phát sinh mùi hôi, thì mới có thể làm phân hữu cơ tốt.

Ở Đài Loan, vẫn còn nhiều người như Trang Ngọc Long và Chu Mỹ Huệ quan tâm đến việc thúc đẩy canh tác hữu cơ. Nhưng hơn 20 năm trước, nền nông nghiệp Đài Loan đã bị thuốc trừ sâu gây hại đến mức, mà ngày nay chúng ta khó có thể tưởng tượng được.

Diệu Huyền (lược dịch, theo Cuộc sống hữu cơ tự nhiên)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây