Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nền kinh tế chưa phát triển nhưng có rất nhiều tiềm năng. Điều kiện tự nhiên Việt Nam thuận lợi cho việc phát triển cây dừa nhất là từ vĩ tuyến 20 trở vào. Dừa có thể sinh trưởng trên các loại đất khác nhau, nhưng phát triển tốt trên đất cát có nhiễm mặn nhẹ. Diện tích trồng dừa của Việt Nam hiện nay vào khoảng 140.000 ha với năng suất bình quân là 36 – 38 quả/cây/năm, trong đó tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 80% tổng sản lượng dừa trên cả nước, đứng đầu là tỉnh Bến Tre. Khoa học hiện đại đã minh chứng nước dừa là một trong những loại nước giàu dinh dưỡng và là một trong những nguồn bổ sung chất điện giải rất có lợi cho cơ thể, bởi trong nước dừa chứa nhiều khoáng chất như: Ca, K, Na, Mg, Fe… dạng hòa tan dễ dàng được cơ thể hấp thụ. Đây là thực phẩm “hoàn hảo” thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả, giúp ngăn chặn các bệnh ung thư, lão hóa da, nếp nhăn, thị lực kém, và các vấn đề về xương.

dừa việt namNhằm xây dựng được dây chuyền sản xuất, quy trình công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak hộp giấy dung tích 500ml và 1000ml cho sản phẩm nước dừa năng suất 4.000l/h từ nước dừa tươi, mở rộng dây chuyền đóng hộp 330ml; Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại nhà máy và của địa phương giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi sản phẩm từ dừa; Tạo sản phẩm mới (chưa được sản xuất phổ biến ở Việt Nam), đa dạng hóa sản phẩm được chế biến từ quả dừa, mang lại hiệu quả kinh tế góp phần thúc đẩy việc trồng dừa của người nông dân Bến Tre và các tỉnh lân cận, có ý nghĩa xã hội cao trong giải pháp chống sự biến đổi khí hậu hiện nay và tình trạng nhiễm mặn ở ĐBSCL; Tạo ra dòng sản phẩm nước dừa có chất lượng cao (gần với nước dừa tươi tự nhiên) được đóng trong bao bì giấy thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm nhập ngoại và góp phần xuất khẩu ra thị trường quốc tế sản phẩm mang thương hiệu Việt; Xây dựng các hệ thống chứng nhận quản lý chất lượng cho dây chuyền sản xuất: ISO, HACCP, BRC,IFS… đạt chuẩn quốc tế, Sản phẩm nước dừa đóng hộp giấy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp địa phương, đem nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nhóm chuyên gia do ông Cù Văn Thành, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Qưới đứng đầu tiếp tục đề xuất và được giao thực hiện dự án: “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Dự án tập chung vào công nghệ sơ chế, bảo quản, tàng trữ nước dừa từ nước dừa già làm nguyên liệu cho sản xuất nước dừa đóng hộp phục vụ dây chuyền chế biến và bao gói Tetra-Pak công suất 4.000 lít/giờ và công nghệ chế biến và 8 bao gói Tetra-Pak nước dừa, không sử dụng hoá chất để tạo ra sản phẩm nước dừa đóng hộp giữ nguyên được tính chất ban đầu vốn quý của nước dừa tự nhiên phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Qua quá trình nghiên cứu triển khai, Dự án thu được kết quả sau:

1/ Dự án đã hoàn thiện dây chuyền công thiết bị, công nghệ cho sơ chế, bảo quản, tàng trữ nước dừa từ nước dừa già năng suất 4.000 lít/h và xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu cho nước dừa của dự án.

2/ Dự án đã hoàn thiện và làm chủ thiết bị, công nghệ tiệt trùng nhanh (UHT) cho sản phẩm nước dừa, xây dựng hướng dẫn vận hành, biểu mẫu kiểm tra, kiểm soát hệ thống UHT đảm bảo yêu cầu công nghệ.

3/ Dự án đã hoàn thiện và làm chủ thiết bị, công nghệ rót và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa, xây dựng hướng dẫn vận hành thiết bị, biểu mẫu kiểm tra, kiểm soát hệ thống rót và bao gói vô trùng đảm bảo yêu cầu công nghệ.

4/ Dự án đã hoàn thiện và làm chủ thiết bị, công nghệ hệ thống CIP cho hệ thống UHT và hệ thống rót và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa và xây dựng hướng dẫn vận hành, biểu mẫu kiểm tra, kiểm soát đảm bảo vệ sinh hệ thống cho sản xuất.

5/ Dự án đã hoàn thiện hệ thống kiểm soát, kiểm tra chất lượng nước dừa đóng hộp Tetra-Pak theo HACCP, BRC food và US FDA.

6/ Dự án đã xây dựng và ban hành quy trình lấy mẫu, lưu mẫu kiểm tra tại chỗ và bảo ôn sản phẩm nước dừa.

7/ Dự án đã tiến hành sản xuất lô số 0 theo quy trình công nghệ chế biến, rót và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa. Chất lượng nước dừa đóng hộp 500ml và 1000ml được thị trường đánh giá tốt, sản phẩm vẫn đang theo dõi đánh giá chất lượng theo thời gian bảo quản.

8/ Dự án đã lựa chọn bao bì do hãng Tetra-Pak cung cấp, đã thiết kế 8 nhãn mác. Các nhãn mác được thiết kế theo yêu cầu của US FDA và luật Việt Nam về bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm theo nhãn mác trên đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế.

9/ Dự án đã thành công khi đưa ra thị trường trong nước và quốc tế dòng sản phẩm nước dừa đóng hộp giấy thương hiệu Vietcoco – Việt Nam.

Với nét độc đáo, tính mới, tính tiên tiến của sản phẩm nước dừa đóng hộp được sản xuất trên hệ thống thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đã tạo được sản phẩm có chất lượng cao. Sản phẩm giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên (đạt tới 95%) so với nước dừa tự nhiên. Các khoáng chất và các chất có tính dưỡng – dược được bảo toàn. Dây chuyền chế biến và đóng gói Tetra-Pak của dự án thiết kế công suất 4.000 lít/giờ tạo ra trên 24 triệu lít nước dừa đóng hộp mỗi năm. Với nguồn gốc dừa nổi tiếng tại Bến Tre, sản phẩm nước dừa đóng hộp của dự án bảo đảm về chất lượng và hương vị đặc trưng cho dừa Bến Tre – Việt Nam. Nước dừa đóng hộp của dự án đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh chất lượng theo quy chuẩn QCVN 6-2:2010/BYT của Bộ Y tế và đã được cấp chứng nhận BRC food và US FDA đủ điều kiện vào thị trường Mỹ và EU. Đáp ứng các tiêu chuẩn trên, sản phầm đảm bảo sức cạnh tranh với các dòng sản phẩm khác trên thế giới về chất lượng và giá thành.

Nhóm thực hiện dự án đề xuất sử dụng và áp dụng các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ ngay vào thực tiễn. Đa dạng hóa sản phẩm tận dụng hết công suất dây chuyền tạo chuỗi các sản phẩm đồ uống từ nước dừa chất lượng cao, tăng kim ngạch xuất khẩu thu ngoại tệ giúp doanh nghiệp nhanh thu hồi vốn và góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội cho đất nước.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18109/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây