Hội thảo Kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Đổi mới công nghệ, cải tiến nội dung, năng động tạo nhiều nguồn thu theo tư duy doanh nghiệp

STNN – Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, thích ứng xu hướng thời đại, ngày 27/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức cuộc hội thảo Vấn đề Kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học.

Toàn cảnh Hội thảo.

Liên hiệp Hội Việt Nam hiện có 1 tờ báo và 47 tờ tạp chí trực thuộc. Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA kỳ vọng: Trong cuộc hội thảo này, vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học sẽ được “lo liệu” như thế nào, để vừa thực hiện được nhiệm vụ theo tôn chỉ, mục đích được giao vừa “an toàn” trong phát triển…

PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Điện tử hóa báo chí

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trước đây, trong báo chí, nội dung là “vua” nhưng nay điều này chưa hẳn đã vậy, hiện nay đồng hành với nó phải là công nghệ. Bởi thực tế, các cơ quan báo chí hiện nay đang phải “oằn mình” chống chọi với các “thế lực” đến từ mạng xã hội. Song song với công nghệ, các tòa soạn báo chí phải tìm nhiều giải pháp đột phá để phát triển kinh tế báo chí.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đề xuất, các cơ quan báo chí hiện nay phải thực hiện 5 biện pháp, trong đó, có vấn đề “xin” và “chạy” quảng cáo. Đây không còn là quan niệm “kiếm thêm” như trước đây, mà phải là một trong những nguồn thu chính để báo chí tồn tại phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Trong bối cảnh chuyển đổi số, các cơ quan báo chí nên thay đổi chiến lược, xây dựng các bộ phận truyền thông – quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp, mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững lâu dài, tránh gặp những rủi ro không đáng có.

PGS.TS nhà báo Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại hội thảo.

Vấn đề tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí cũng được ông Nguyễn Thành Lợi đặt ra. Ngày nay, do báo chí in đang bị “thế lực” mạng xã hội tấn công và khiến số lượng phát hành giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực tuyến, do đó, “miếng bánh” quảng cáo bị xé lẻ, địa hạt kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều nhà quảng cáo đã dịch chuyển sang quảng cáo trực tuyến. Các cơ quan báo chí cần xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới và tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí, cụ thể, diện tích quảng cáo trên báo chí điện tử cần phải được bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào các “thế lực” truyền thông xã hội để giảm thiểu rủi ro và không vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, theo ông, cần xây dựng chiến lược “điện tử hóa” báo chí, đa dạng hóa các nguồn thu. Để tăng nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.

Thành lập công ty cổ phần trong cơ quan báo chí

Từ một góc nhìn khác, Nhà báo Đào Quang Bính, Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cho rằng: Chúng ta phải tận dụng cho được tất cả các công nghệ số để làm báo theo cách làm truyền thống. Ông cho rằng: Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ sa vào cái bẫy “công nghệ số”. Nếu cứ loay hoay với mục tiêu làm thế nào để tăng views đối với các tạp chí khoa học thì có lẽ, theo ông, không biết đến bao giờ chúng ta mới đạt được.

Nhà báo Đào Quang Bính phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, ông Bính cũng mạnh dạn đề xuất một “sáng kiến” cần huy động vốn của các anh chị em trong cơ quan thành lập một công ty cổ phần rồi thiết lập cơ chế hợp tác giữa nó với cơ quan báo chí theo hướng hai bên cùng có lợi trong khuôn khổ pháp luật không cấm. Ông tiết lộ: Thực tế, cách làm này đã từng được áp dụng tại cơ quan cũ của ông là Thời báo Kinh tế Việt Nam và đã mang lại hiệu quả cao, rất cao.

Phát hành số

Cũng tại diễn đàn này, ông Bính đề xuất một khái niệm khá mới mẻ: Vấn đề Chuyển đổi số và Phát hành số. Hiện ở tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, các công tác quản trị như thông báo, chấm công, hội họp với các đại diện vùng miền, họp giao ban chuyên môn, giao đề tài, kiểm soát tiến độ, lưu trữ tài liệu nghiệp vụ… đều được thực hiện online và kết hợp offline. Việc sử dụng công nghệ quản trị tòa soạn số đã giảm thiểu chi phí, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của từng bộ phận trong tòa soạn, đảm bảo các chỉ đạo xuyên suốt từ Tổng Biên tập đến được với từng cá nhân một cách nhanh nhất.

Từ ngày 12/10/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam chính thức khai trương dịch vụ Phát hành số phối hợp với Công ty Phát hành báo chí Trung ương. Đây là bước đi tiên phong trong việc thay đổi phương thức phát hành bản in, phù hợp với xu hướng thế giới. Với phương thức phát hành số, bên cạnh các bản in truyền thống, các ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ được số hóa dưới dạng PDF và phát hành tới bạn đọc qua nền tảng của Công ty Phát hành báo chí Trung ương. Phương thức này giúp bạn đọc khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận nội dung Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhanh và sớm hơn cách thức phát hành thông thường. Mặc dù mới áp dụng nhưng Tạp chí đã nhận được một lượng subscribers lớn từ các Viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài và các bạn đọc quốc tế. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận nhóm đối tượng độc giả chuyên môn cao này được đẩy mạnh thông qua phương thức phát hành mới.

Việc có số lượng đông đảo subscribers cũng sẽ giúp tạp chí in Kinh tế Việt NamVietnam Economic Times có được các quảng cáo thương hiệu của các doanh nghiệp lớn cần quảng bá thương hiệu. Ngày 02/6/2023, VnEconomy đã chính thức đưa vào hoạt động thử nghiệm Askonomy, trợ lý thông tin kinh tế, xây dựng trên nền tảng Chat GPT và dữ liệu độc quyền của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, với tham vọng cung cấp các dữ liệu kinh tế vĩ mô một cách nhanh chóng, chính xác, cập nhật, trở thành một hệ sinh thái hữu ích cho các độc giả -thành viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomyVietnam Economic Times.

Quan hệ hài hòa giữa tôn chỉ mục đích và kinh tế báo chí

Đến từ Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Nhà báo, Tổng Biên tập Vũ Thế Khoa đặt một vấn đề rất thời sự: Tôn chỉ mục đích và kinh tế báo chí. Nếu chỉ tuân thủ tôn chỉ, mục đích như hiện có, ông giãi bày, thì Tạp chí Văn hiến Việt Nam rất khó “sống” được. Ông bộc bạch, trong khi Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương đẩy mạnh phát triển hệ thống báo chí có sự quản lý của nhà nước để đủ sức đấu tranh chống lại các tiêu cực của mạng xã hội thì một số ý kiến lại thiên về việc “khai tử” hàng loạt tờ tạp chí khoa học có ảnh hưởng tích cực trong xã hội.

Tờ Tạp chí Văn hiến Việt Nam mỏng mảnh như chúng tôi thì đã đành, nhưng việc sẵn sàng “khai tử” một tạp chí vững vàng và nhanh nhạy, phục vụ hiệu quả hơn bất kỳ tờ báo nào cho sự nghiệp giao lưu hội nhập của đất nước hôm nay thì tôi không tưởng tượng nổi. Có lẽ sau hội thảo này, Liên hiệp Hội Việt Nam nên tổ chức hội thảo mang tên Sự cần thiết của các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội thì chắc sẽ rất thiết thực” – Tổng Biên tập Vũ Thế Khoa bày tỏ.

Nhà báo Vũ Thế Khoa phát biểu tại hội thảo.

Thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến nhất trí với các tham luận trên. Ngoài ra, tại đây, các ý kiến trân trọng đề nghị Hội đồng Trung ương VUSTA thay mặt các cơ quan báo chí góp tiếng nói với Trung ương Đảng và các cơ quan quản lý báo chí quan tâm hơn đến sự tồn vong của tạp chí.

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng: Muốn tồn tại, các cơ quan báo chí phải tiếp cận thị trường hiện có theo tư duy của một doanh nghiệp. Chúng ta đã đưa ra nhiều cách thích ứng khác nhau tương ứng với đội ngũ phóng viên khác nhau, khách hàng khác nhau. Ông cho biết, tới đây Liên hiệp Hội sẽ có báo cáo chuyên ngành gửi các cơ quan quản lý báo chí để có những sự điều chỉnh phù hợp cho các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả hơn.

Tin, ảnh: Trần Ngọc Kha

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây