Israel trở thành “giỏ trái cây của châu Âu” nhờ sức mạnh của kỹ thuật số

STNN – Với sự trỗi dậy và phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, công nghệ kỹ thuật số đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, trở thành phương tiện quản lý nông thôn. Đây là một bước khởi đầu quan trọng để đạt được sự chính xác trong quản lý, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp thông minh và phát triển xanh.

Israel: Tạo ra “ Giỏ trái cây của châu Âu” nhờ sức mạnh của kĩ thuật số
Hình minh họa – Nguồn: Freepik

Trong mắt người Israel, rác thải chỉ là nguồn tài nguyên bị đặt sai chỗ, ví dụ, khí mê-tan được tạo ra từ quá trình xử lý rác thải hữu cơ có tác dụng đáng kể trong sản suất điện, nhiên liệu và nhiều lĩnh vực khác. Hãy cùng tìm hiểu về một ngôi làng bình thường nằm gần Binyamina, thành phố nhỏ ở phía Bắc Israel – làng Alonei, một ngôi làng bình thường như bao ngôi làng khác ở đất nước này.

Hội đồng làng Alonei vô cùng coi trọng việc thu gom rác thải. Họ sử dụng mạng xã hội và tin nhắn điện thoại để thông báo thời gian, địa điểm cùng những yêu cầu cụ thể về việc thu gom rác thải. Thức ăn dư thừa từ nhà bếp, lá cây,… được xử lý để lên men tạo khí mê-tan và phân bón hữu cơ bổ sung cho đất. Vì quá trình này đòi hỏi chuyên môn cao nên dân làng chỉ cần di chuyển rác thải đến một địa điểm quy định được thống nhất trong làng.

Đối với phân động vật, các trang trại chăn nuôi trong thôn cũng đã lắp đặt hệ thống xử lý phân động vật tự động dựa trên công nghệ kỹ thuật số, sử dụng xe đẩy tự động điều khiển bằng máy tính để thu gom phân sau đó vận chuyển đến nơi xử lý rác thải và chuyển hóa thành phân bón, nước tưới tiêu, nhờ đó bảo vệ môi trường sinh thái một cách hiệu quả.

Ở làng Alonei, nền tảng kỹ thuật số đóng vai trò rất lớn, không chỉ trong việc duy trì diện mạo của ngôi làng. Hội đồng làng, thông qua các nhóm trên mạng xã hội thông báo kịp thời đến người dân về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, thông tin về việc làm, tình hình thời tiết và nhiều thông tin khác. Mọi việc lớn nhỏ trong làng sẽ được “chuyển” vào nhóm ngay lập tức, để dân làng nắm được thông tin mà không cần ra khỏi nhà.

Thông qua “Nhóm làng”, dân làng còn có thể theo dõi được tình hình giao thông địa phương, chỗ đỗ xe, tình trạng trường học của trẻ em, công việc mới…, tất cả thông tin liên quan đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của mọi người.

Ngoài ra, khi giải quyết các công việc lớn của làng liên quan đến lợi ích của người dân, hội đồng làng cũng xử lý toàn bộ quy trình trực tuyến thông qua các nền tảng xã hội, khiến quy trình có tính công khai, minh bạch và khách quan. Công nghệ đã trở thành cầu nối, tập hợp các lực lượng quan trọng để phát triển và xây dựng nông thôn ở Israel.

Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của Israel cũng được thể hiện rõ nét ở ngôi làng Alonei. Người dân lắp đặt màn hình trên thiết bị tưới nhỏ giọt, sử dụng công nghệ sinh học và công nghệ nano để tiết kiệm nước, kiểm soát lượng nước tưới cho cây trồng thông qua máy tính nên tỉ lệ sử dụng tài nguyên nước cao.

Nhà kính kỹ thuật số cũng sử dụng máy tính để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, v.v. nhằm thích ứng với yêu cầu ngày càng tăng của trái cây và rau quả. Hệ thống giám sát có thể cảm nhận dữ liệu nhiệt độ trong nhà kho theo thời gian thực thông qua cảm biến nhiệt độ phòng. Dữ liệu nhiệt độ được truyền không dây đến hệ thống máy chủ.

Nếu hệ thống phát hiện rằng nhiệt độ trong nhà kính thấp hơn giá trị tiêu chuẩn, nó sẽ tự động mở hệ thống điều khiển nhiệt độ để điều chỉnh nhiệt độ. Khi nhiệt độ trong nhà kính đạt đến giá trị tiêu chuẩn, hệ thống sẽ tự động đóng hệ thống điều khiển nhiệt độ, không cần sự can thiệp của con người.

Vật liệu nhựa được sử dụng trong nhà kính ở làng Alonei cũng được điều khiển bằng kỹ thuật số và có chức năng chống bụi, chống sương mù, tiết kiệm năng lượng và chống tia cực tím, đồng thời có thể đạt được hiệu ứng chiếu sáng tốt hơn.

Nhờ vậy, làng Alonei quanh năm có đầy đủ trái cây và rau quả. Theo thống kê, tỷ lệ người làm nông nghiệp tại Israel rất thấp so với tổng số lực lượng lao động, nhưng lại cung cấp hơn 90% thực phẩm cho cả nước. Đồng thời, một lượng lớn nông sản cũng được xuất khẩu ra nước ngoài, chiếm gần một nửa thị trường rau quả châu Âu, khiến Israel được mệnh danh là “giỏ trái cây của châu Âu”. Đây chính xác là những gì các khu vực nông nghiệp nông thôn như làng Alonei đã đạt được bằng cách tích cực áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong quản lý nông thôn.

Minh Dịu (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây