Kinh ngạc trước sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới

STNN – Khoa học và Công nghệ phải đi trước một bước để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân.

Tưới nhỏ giọt là cảnh thường thấy trên các cánh đồng của Israel – Nguồn: israel21c.org

Israel  – quốc gia đi đầu

Hệ thống tưới nhỏ giọt

Israel  là quốc gia có diện tích khoảng 20.000km2, trong đó đất trồng trọt chỉ chiếm 1/5 diện tích, phần lớn diện tích đất còn lại là cao nguyên đá và cát. Nước là tài nguyên khan hiếm, được ví như vàng ở đất nước này.

Có thể gọi Israel là quốc gia đi đầu, cái nôi của phát minh, gương mặt đáng gờm trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Nền nông nghiệp quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc và một trong số những phát minh tuyệt vời phải kể đến đầu tiên đó là hệ thống tưới nhỏ giọt.

Hệ thống tưới nhỏ giọt là công nghệ và thiết bị hiện đại từ van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng, vòi phun áp lực thấp để phun mưa loại nhỏ. Nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt mà có thể tiết kiệm được 50-60% nước so với cách tưới truyền thống.

Ngoài ra hệ thống này còn giúp cây trồng hấp thu được lượng nước tối đa; Tiết kiệm điện năng; Hiệu quả sử dụng phân bón cao; Giảm thiểu lượng nước đọng lại tại thân lá, hay xung quanh; Tránh tạo môi trường ẩm ướt cho sâu, nấm bệnh hại cây trồng có cơ hội phát triển.

Những ưu điểm vượt trội như vậy sẽ giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng. Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã học hỏi và sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt của Irasel trong sản xuất nông nghiệp.

Dùng khí nhà kính để nuôi trồng tảo

CO2 là một trong những khí nhà kính chính đe dọa hành tinh của chúng ta. Khí nhà kính là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Israel đã nghiên cứu và sử dụng nó để nuôi trồng tảo – loài thực vật có giá trị cao, là nhân tố chủ chốt trong việc tạo ra phần lớn lượng oxy cho chúng ta hít thở hàng ngày. Đặc biệt, “thức ăn” chính của tảo là CO2 và ánh sáng.
Công nghệ seambiotic của Israel  biến CO2 được phát thải từ các nhà máy thành nguồn cung cấp thức ăn cho tảo. Đây là một trong những thành tựu đáng nể: vừa sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ môi trường khỏi hiệu ứng nhà kính. Quả là điều tuyệt vời mà người Israel đã mang lại cho thế giới!

Nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản

Tại Nhật Bản, đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng đã dần nhường chỗ cho đô thị hóa, những sườn núi ở Nhật Bản lại quá dốc, không thuận lợi để canh tác nông nghiệp. Nhật cũng là nước phải hứng chịu nhiều trận bão, tuyết trong năm khiến cho hoạt động nông nghiệp càng khó khăn vất vả hơn.

Nhưng nhắc đến nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới thì không thể không nhắc tới Nhật Bản. Mặc dù chỉ có khoảng 2% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt song tại đất nước “mặt trời mọc”, những thành tựu khoa học – công nghệ bậc nhất đều được đưa vào để giải quyết bài toán nông nghiệp. Bắt đầu từ lúa, công nghệ cao dần áp dụng cho nhiều loại cây nông nghiệp, rau củ quả khác mang lại năng suất và chất lượng cao.

Hai kỹ thuật hiện đại nhất áp dụng cho trồng rau sạch trong nhà là thủy canh và khí canh. Mô hình này khắc phục được nhược điểm diện tích đất trồng hạn chế. Nền tảng của nó nằm ở môi trường nhà kính với hệ thống lưới, màng chắn tránh ảnh hưởng từ điều kiện tự nhiên và côn trùng từ bên ngoài.

Chỉ khoảng 2% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng cung cấp đủ lương thực cho 98% còn lại; ngoài ra, hàng năm Nhật Bản vẫn xuất khẩu một lượng nông sản sạch, chất lượng cao cho các thị trường quốc tế.

Nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Lan

Nông nghiệp thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thái Lan. Không chỉ là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, các nông sản khác của Thái Lan cũng có kim ngạch xuất khẩu lớn như đường, dứa, cao su.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Hầu hết các thiết bị nông nghiệp sử dụng ở Thái Lan được sản xuất trong nước. Người Thái Lan phát triển các hệ thống cảm biến, điều khiển và kết nối với điện thoại. Không cần phải có mặt tại trang trại người ta cũng có thể kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời, kích hoạt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân từ xa.

Dùng drone tự động để phun hóa chất, ứng dụng IoT và máy học AI để điều khiển việc trồng trọt đã được áp dụng rộng rãi tại Thái Lan. Đặc biệt, để giải quyết nạn hạn hán nghiêm trọng, trong những thời điểm nhất định, máy bay từ các đơn vị quân đội và không quân tham gia đội bay của Cục Hàng không Nông nghiệp và Tạo mưa (DRAA) Thái Lan sẽ thực hiện các chiến dịch tạo mây trong không trung, sẵn sàng “giải cơn khát” cho nông nghiệp. Đây cũng là một điều kỳ diệu mà khoa học – công nghệ mang lại!

Hồng Hà (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây