Lâm Đồng: Diện tích trồng sầu riêng đang tăng trưởng “nóng”

STNN – Theo thống kê, trong năm 2022 diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 17.163ha, tăng hơn 3.500ha so với năm 2021 và đang giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong đó, riêng huyện Đạ Hoai diện tích sầu riêng trong năm 2022 đã tăng thêm 1.406ha.

Ngày 27/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng khuyến cáo là khoảng 65.000ha đến 75.000ha, sản lượng từ 830.000 tấn đến 950.000 tấn.

Mặt khác, theo một thống kê gần đây của Bộ NN&PTNT, cây sầu riêng hiện đang phát triển nóng kể từ sau khi Bộ NN&PTNT ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Cũng từ đó đã dẫn đến việc người dân phát triển rầm rộ, phát triển “nóng” loại cây này.

Điển hình như tại tỉnh Lâm Đồng, theo thống kê, diện tích sầu riêng trong năm 2022 đạt khoảng 17.163ha năm, tăng hơn 3.500ha so với năm 2021. Trong đó, sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác trồng thuần, trồng xen trên vườn cây công nghiệp cũng đã phần nào nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Chỉ tính riêng tại huyện Đạ Hoai (tỉnh Lâm Đồng), trong năm 2022 toàn huyện Đạ Huoai có tổng diện tích hơn 5.580ha sầu riêng; trong đó, diện tích thu hoạch 2.567ha, năng suất bình quân ước đạt 129,4 tạ/ha với tổng sản lượng ước đạt 33.213 tấn. Riêng diện tích sầu riêng năm 2022 tăng thêm 1.406ha; trong đó, chuyển đổi trong năm là 573ha, diện tích các năm trước đã chuyển đổi nhưng chưa rà soát là 833ha.

Theo đánh giá của Phòng NN&PNTN huyện Đạ Huoai, đối với cây trồng này, địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển với hầu hết các xã, thị trấn đều trồng được. Sầu riêng trồng ở các vùng sản xuất nơi đây gồm 3 loại giống Monthong, Ri6, Musaking với phần lớn diện tích áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, mô hình tưới tiết kiệm nước.

Sầu riêng Lâm Đồng đang thực sự “nóng” cả về phát triển diện tích trồng lẫn được mùa, được giá.

Tại huyện Cát Tiên, trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng cũng đã phát triển diện tích sầu riêng lên đến hơn 270ha. Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Chường – Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết, tất cả diện tích sầu riêng trên đều đa phần được người dân chuyển đổi từ đây điều sang. Do đó, hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích tăng từ 40 triệu đồng mỗi ha lên gấp nhiều lần, có nhiều mô hình sản xuất sầu riêng cho thu nhập trên 500 triệu đồng, thậm chí thu tiền tỷ/ha.

Còn tại huyện Đạ Tẻh, hiện địa phương này đang có khoảng 1.700ha diện tích đất được sử dụng để trồng sầu riêng. Trong đó, diện tích đang bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định từ năm thứ 6 trở lên là khoảng 900ha, tổng sản lượng dự kiến hơn 20.000 tấn. Một số xã có diện tích trồng sầu riêng lớn là Đạ Kho, Mỹ Đức, Quảng Trị, Đạ Pal… So với các loại cây trồng truyền thống khác tại địa phương, trồng sầu riêng giúp người dân tăng thu nhập lên gấp nhiều lần.

Với diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng như hiện nay, phải chăng đây đang là tín hiệu vui cho người nông dân tại tỉnh Lâm Đồng? Bởi, trong những ngày gần, hàng ngàn nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang bước vào niên vụ sầu riêng năm 2023 với rất nhiều kỳ vọng về một năm được mùa, được giá. Hơn nữa, thời điểm này, các tỉnh khu vực Tây Nguyên của Việt Nam gần như là vùng duy nhất trên thế giới còn sầu riêng.

Cụ thể, theo tìm hiểu thì mùa vụ sầu riêng của Thái Lan kéo dài từ tháng 4 – 8. Đây là lúc mà sầu riêng ngon nhất và được bày bán rộng rãi nhất ở Thái Lan. Đồng thời, thời điểm này các nước có sản lượng sầu riêng lớn như Philippines, Malaysia cũng đều đã hết vụ thu hoạch sầu riêng.

Trong khi đó, vụ sầu riêng ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3 khi sầu riêng khu vực Tây Nam Bộ vào chính vụ và kéo dài đến tháng 5; tháng 4 – 7 là thời điểm vụ sầu riêng chính vụ khu vực miền Đông Nam Bộ. Từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 là chính vụ sầu riêng của khu vực Tây Nguyên; sau đó, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau lại là vụ sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây.

Mặt khác, sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên còn có thể thu hoạch từ tháng 8 – 11, là vùng duy nhất trên thế giới còn sầu riêng để bán từ nay đến cuối năm. Đồng thời, giá sầu riêng hiện nay ở khu vực Tây Nguyên cũng đang tăng mạnh, tăng thêm khoảng 20% so với năm ngoái.

Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đã thu về 1,2 tỷ USD, đưa loại quả này chính thức lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp.

Xuất khẩu sầu riêng cũng đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của xuất khẩu rau quả. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 404,5 triệu USD, giảm 38,9% so với tháng 6/2023, nhưng tăng 63,6% so với tháng 7/2022.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,1 tỷ USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu rau quả Việt Nam là thị trường Trung Quốc – đạt 2 tỷ USD, tăng 128,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong năm 2023, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 64,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Mỹ đạt 140,5 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 125,1 triệu USD, tăng 13%; Nhật Bản đạt 105,6 triệu USD, tăng 5,5%…

Từ những con số trên, có thể thấy sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng đang thực sự rất “nóng”. Bởi, người nông dân trồng sầu riêng tại đây đang vui mừng vì sầu riêng đang vào mùa thu hoạch ngay thời điểm nguồn cung của cả nước và thế giới đang khan hiếm. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải hạn chế phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng để tránh tình trạng “cung vượt quá cầu”. Thay vào đó, tỉnh Lâm Đồng nên tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường nội tiêu.

Anh Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây