Nghệ An: Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương 20 năm hình thành và phát triển

STNN – Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tương Dương vừa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Đây là một dịp quan trọng để Ban đánh giá lại những thành tựu đã đạt được trong suốt 20 năm qua và định hướng công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm.

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Tương Dương, cùng đông đảo cán bộ công nhân viên của BQL rừng phòng hộ Tương Dương.

Tương Dương là một huyện nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, với tổng diện tích tự nhiên là 281.129 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm tới 92,3%, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước đầu nguồn phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống cho các huyện miền tây Nghệ An. Ngoài ra, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở đất đai, lũ ống, lũ quét và bảo vệ làng bản.

UBND tỉnh Nghệ An trao tặng bức trướng, Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân có thành tích nổi bật.

Với những giá trị quý giá của rừng, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 938/QĐ-UB vào ngày 14/3/2003 về việc thành lập BQL rừng phòng hộ Tương Dương. Ban đầu, đơn vị chỉ có 06 người, gồm: Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban, Kế toán và 03 cán bộ giúp việc, trụ sở làm việc chưa có. Trong thời gian đầu, đơn vị đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ hơn 143 ngàn ha rừng phòng hộ Nhà nước giao.

Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, đặc biệt là sự phối hợp giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp huyện Tương Dương, Ban đã vượt qua được những khó khăn ban đầu và bước vào hoạt động ổn định. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Ban đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hàng năm, Ban tổ chức từ 250 đến 600 lượt cuộc tuyên truyền thông qua họp thôn bản với số lượng người tham dự từ hơn 7.000 đến hơn 11.000 người; hàng chục pano áp phích được treo, dán ở các ngã ba, ngã tự, chợ, UBND, nhà văn hóa xóm và những nơi có nhiều người qua lại…

Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen cho các cá nhân xuất sắc.

Bình quân, mỗi năm Ban tổ chức 16 đến 20 lớp tập huấn cho cán bộ xã và các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, cụ thể 12 đến 16 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng tại 12 đến 16 xã có rừng phòng hộ và từ 04 đến 06 lớp tập huấn nâng cao trình độ công tác phòng cháy chữa cháy rừng cho các tổ bảo vệ rừng cộng đồng và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc đơn vị. Ngoài ra, đơn vị luôn cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của cấp trên tổ chức theo quy định.

Phối hợp và bàn giao chuyển Kiểm lâm xử lý hàng chục vụ vi phạm lâm luật trong rừng phòng hộ, xử phạt vi phạm hành chính năm nhiều nhất gần 200 triệu đồng và bàn giao Kiểm lâm xử lý tịch thu hàng chục m3 gỗ các loại.

Đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tổ chức tuần tra, truy quét bảo vệ rừng từ 110 đến hơn 220 lượt/năm và tổ chức tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho bà con các thôn bản.

Các cơ quan, đơn vị trong ngành Lâm nghiệp tặng hoa chúc mừng.

Phối hợp với Chính quyền địa phương xã và các cơ quan có liên quan, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với 16/17 xã, thị trấn có rừng phòng hộ huyện Tương Dương ; ký kết quy chế phối hợp với các chủ rừng có liên quan gồm Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; tham mưu và ký kết quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm, các chủ rừng với các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Tương Dương.

Nhờ làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và lâm sản mà trữ lượng rừng, độ che phủ rừng phòng hộ năm sau cao hơn năm trước; cụ thể: năm 2012 diện tích đủ điều kiện chi trả cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại BQL rừng phòng hộ Tương Dương là 21.608,12 ha = 25%; đến năm 2022, diện tích đủ điều kiện chi trả cung ứng DVMTR tăng lên là 72.451,688 ha = 84%; tăng 50.843,568 ha trong vòng 11 năm.

Xác định công tác tuần tra ngăn chặn phát rẫy là nhiệm vụ cũng rất quan trọng nên hàng năm đơn vị đã chỉ đạo các Trạm thực hiện công tác tuần tra ngăn chặn việc vi phạm rẫy trái phép trong rừng phòng hộ. Hàng năm, các Trạm đã tổ chức tuần tra kịp thời ngăn chặn phát hiện từ 110 đến hơn 230 vụ xâm lấn đất rừng, phát nương làm rẫy trái phép với tổng diện tích vi phạm từ 10 đến hơn 30 ha (chủ yếu làm lại rẫy cũ của các năm trước).

Ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng Ban quản lý định hướng công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới của đơn vị.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng thời gian tới, ông Nguyễn Tất Hòa – Trưởng BQL rừng phòng hộ Tương Dương chia sẻ các giải pháp: Không ngừng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ; đào tạo nâng cao lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ rừng trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc, linh hoạt các quy định của Nhà nước, của địa phương về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (đặc biệt, “Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2022 – 2030” của Ban đã được UBND tỉnh phê duyệt). Thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), mua sắm bổ sung các trang thiết bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu 4 tại chỗ của công tác PCCCR…

Trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay BQL rừng phòng hộ Tương Dương đã từng bước khẳng định vai trò bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.

Ngọc Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây