Nghiên cứu chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử cho các tỉnh phía Bắc (Giai đoạn II)

STNN – Bệnh mốc sương khoai tây do nấm Phytopthora infestans là một trong những bệnh được nghiên cứu nhiều nhất và nguy hiểm nhất trong lịch sử sản xuất khoai tây trên thế giới. Để hạn chế được sự nguy hiểm của bệnh mốc sương, nhiều nước trồng khoai tây trên thế giới đã quan tâm chú ý đến hướng chọn tạo giống chống chịu bệnh mốc sương.

Việc tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử của nước ngoài trên cơ sở đã xác định được gen kháng, chỉ thị liên kết với gen kháng, lập bản đồ gen kháng kết hợp nguồn vật liệu chọn tạo giống khoai tây trong nước để chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử là hết sức cần thiết. Vì thế, ThS. Ngô Thị Huệ và nhóm nghiên cứu tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử cho các tỉnh phía Bắc (Giai đoạn II)” từ năm 2018 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: chọn được giống khoai tây công nhận chính thức và 1-2 giống khoai khảo nghiệm quốc gia có triển vọng kháng bệnh mốc sương (điểm 1-3), năng suất 20-25 tấn/ha, tỷ lệ chất khô 18-20%; đưa ra quy trình kỹ thuật canh tác cho giống mới; và xây dựng 2-3 mô hình trình diễn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương, quy mô 3-5 ha/mô hình, năng suất 20-25 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng ≥ 15%.

Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

– Đã tự công bố lưu hành (công nhận chính thức) giống khoai tây KT6 trong vụ Đông và vụ Xuân tại các tỉnh phía Bắc. Giống khoai tây KT6 mang gen R1, kháng bệnh mốc sương (điểm 3), năng suất trung bình đạt 21,3 tấn/ha trong vụ Xuân và đạt 23,3 tấn/ha trong vụ Đông, hàm lượng chất khô đạt 19-20% (giống mới đạt chỉ tiêu chất lượng so với thuyết minh đã được phê duyệt).

– Đã chọn được 3 giống khoai tây triển vọng (vượt kế hoạch): + Giống khoai tây 10-79, mang gen R1 và R2 năng suất đạt 20 – 21 tấn/ha, kháng bệnh mốc sương điểm 3, dạng củ dài, vỏ củ ruột củ màu vàng, hàm lượng chất khô đạt 18,9 -19,2% phù hợp cho vụ ăn tươi; + Giống khoai tây 1-128 mang gen RB/Rpi-blbl và giống 2-12 mang gen R1, R2, RB/Rpi-blbl, Rpi-abpt và Rpi-blb3, kháng cao với bệnh mốc sương (điểm 1), năng suất đạt trung bình 20 – 22 tấn/ha, vỏ củ ruột củ màu vàng, mắt củ màu đỏ, hàm lượng chất khô 18-19% có thể sử dụng làm vật liệu lai tạo.

– Sử dụng 3 chỉ thị phân tử BA213c14t7(LP2); STM1024; STM3016 đánh giá các giống khoai tây triển vọng, kết quả chọn được 04 dòng mang 3 gen kháng bệnh mốc sương, 03 dòng mang 2 gen kháng bệnh mốc sương; 03 dòng mang 1 gen kháng bệnh mốc sương.

– Xây dựng quy trình thâm canh giống khoai tây KT6, xác định được mật độ trồng 5 khóm/m2 và lượng phân bón là 150N:150P2O5:150K2O/ha là phù hợp nhất, tại mật độ và mức phân này giống khoai tây KT6 cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

– Xây dựng 3 mô hình trình diễn giống khoai tây KT6 với quy mô 05 ha/mô hình, năng suất giống khoai tây KT6 trong vụ Đông 2019 đạt 23,1 – 23,3 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 20 – 25%, vụ Xuân năm 2020 năng suất đạt 20,6 – 21,9 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 27-29%.

Kết quả nghiên cứu là nguồn tài liệu tham khảo cho các cơ sở chọn tạo giống khoai tây, khẳng định chúng ta đã nghiên cứu thành công phương pháp chọn tạo giống khoai tây kháng bệnh mốc sương nhờ chỉ thị phân tử, từ đó mở ra hướng chọn tạo giống kháng các bệnh khác như virus, ghẻ củ… trên cây khoai tây bằng công nghệ sinh học.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19062/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo Vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây