Khai thác vi khuẩn để loại bỏ các chất ô nhiễm trong nhà

STNN – Các nhà nghiên cứu Chi-lê đã thiết kế được mẫu hệ thống lọc không khí trong nhà sử dụng vi sinh vật để thu giữ và phân hủy các chất ô nhiễm với hiệu suất đạt trên 90%. Hệ thống này đã được chứng minh, có khả năng hoạt động trong vòng 8 tháng mà hiệu suất không hề giảm.

Nghiên cứu tập trung loại bỏ hai chất ô nhiễm đặc biệt được quan tâm ở không gian trong nhà, bao gồm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) bắt nguồn từ vật liệu xây dựng và các sản phẩm gia dụng như sơn và hydrocacbon thơm đa vòng (PAH) thải ra do đốt gỗ. Các phương pháp hiện nay để xử lý các chất ô nhiễm này phần lớn chỉ giới hạn ở các kỹ thuật hấp phụ, sử dụng bộ lọc than hoạt tính để thu giữ các tạp chất. Tuy nhiên, vấn đề then chốt đặt ra với các hệ thống này là các chất ô nhiễm sẽ tích tụ trên than hoạt tính và tạo thành chất thải mới cần được xử lý.

Để khắc phục tình trạng trên, các nhà nghiên cứu Chi lê đã sử dụng nấm Fusarium solani và vi khuẩn Rhodococcus erythropolis để phát triển quần thể vi sinh vật ban đầu cho hệ thống. Sau tám tháng hoạt động liên tục, nhiều loài khác đã được thu thập từ trong không khí, chứng tỏ tiềm năng của mẫu hệ thống trong việc giữ lại vi khuẩn và nấm trong không khí.

Mặc dù một số nghiên cứu trước đây sử dụng phương pháp sinh học để xử lý các chất ô nhiễm trong nhà trong điều kiện phòng thí nghiệm, nhưng chưa có hệ thống thương mại nào được triển khai trên quy mô lớn, là vì chưa đảm bảo kích thước đủ để đạt được hiệu quả xử lý cần thiết. Nhóm nghiên cứu hy vọng tiếp tục triển khai nghiên cứu để giải quyết vấn đề này.

Vergara-Fernández, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích: “Những thách thức và hạn chế chính của hệ thống lọc mà chúng tôi hiện đang nghiên cứu, là việc giảm kích thước của thiết bị tạo nên hệ thống. Chúng tôi đang phát triển một hệ thống kết hợp công nghệ lý-hóa với công nghệ sinh học nhằm giảm dòng chảy đi vào hệ thống sinh học”.

Theo Tia Sáng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây