Nghiên cứu chọn tạo dòng gà chịu stress nhiệt (nóng) bằng chỉ thị AND

STNN – Gà cũng giống với các loài động vật có vú khác có thân nhiệt ổn định, chúng có thể duy trì thân nhiệt trong một phạm vi hẹp. Việc nâng nhiệt độ cơ thể lên trên hoặc dưới phạm vi điều tiết do tác động bởi các yếu tố môi trường bất lợi như nóng hay lạnh sẽ làm mất kiểm soát sự điều tiết nhiệt độ, rối loạn quá trình trao đổi chất, các tế bào sẽ bị tổn hại vĩnh viễn bao gồm sự thoái hóa của các protein không bền, tăng quá trình biến dưỡng thông qua ty thể và kích hoạt quá trình chết tế bào theo lập trình (apoptosis) dẫn đến nguy hại và có thể bị chết.

Nghiên cứu chọn tạo dòng gà chịu stress nhiệt (nóng) bằng chỉ thị ANDTuy nhiên, gia cầm cũng như các động vật khác chúng có thể dần thích nghi được với stress nhiệt, hay nói cách khác là tế bào trong cơ thể tồn tại được trong điều kiện stress nhiệt, nhờ sự hiện diện gia tăng của Heat Shock Protein (HSP). HSP là một nhóm các protein chức năng (chaperone) có liên quan đến việc tạo nếp gấp (folding) hay tháo nếp gấp (unfolding) của các protein khác, tùy theo khối lượng phân tử để phân loại thành HSP25, HSP50, HSP60, HSP70, HSP90, HSP115. HSP nhìn chung có chức năng giúp điều hòa khả năng phục hồi của tế bào và tăng khả năng tồn tại của tế bào trong điều kiện stress nhiệt. Riêng HSP70 giúp tái tạo nếp gấp ở protein, HSP70 tham gia trực tiếp vào quá trình thoái hóa các protein đã bị biến tính, cũng như giúp giảm quá trình apoptisos trong tế bào bằng cách giảm tín hiệu bên trong, nhờ sự tương tác với BAX (Bcl-2-associated X protein) là loại protein truyền tín hiệu khởi động quá trình apoptosis.

Vì vậy, việc nghiên cứu về sinh lý học, di truyền học để nhằm nâng cao và tạo ra các dòng giống có khả năng kháng nhiệt ở gia cầm là một vấn đề cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi trong tương lai. Xuất phát từ ý nghĩa này, TS. Phạm Doãn Lân đã phối hợp với các cộng sự tại Viện Chăn nuôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo dòng gà chịu stress nhiệt (nóng) bằng chỉ thị ADN” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xác định được các kiểu gen Hsp70 liên kết với khả năng chịu stress nhiệt ở gà; chọn được dòng gà bố mẹ dựa trên kiểu gen Hsp70 phục vụ cho việc lai để tạo dòng gà con mang kiểu gen Hsp70 có khả năng chịu stress nhiệt; và tạo được 02 dòng gà có khả năng chịu stress nhiệt (35 – 40oC) mỗi dòng 300 con, năng suất cao hơn 7-10%, giảm tỷ lệ chết khoảng 10% so với dòng không chọn lọc trong cùng điều kiện; xây dựng được quy trình tạo dòng gà chịu stress nhiệt (nóng); và xây dựng được quy trình chăn nuôi dòng gà chịu stress nhiệt.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

1. Đã xác định được sự đa dạng về kiểu gen Hsp70 ở 4 giống gà nghiên cứu (Ri, LV, TP, HA). Đa dạng di truyền cao nhất ở gà Ri (9 kiểu gen), tiếp theo là LV và TP có 7 kiểu gen, đa dạng di truyền thấp nhất ở giống gà HA chỉ xác định được 3 kiểu gen. Kiểu gen GG/GG không xuất hiện ở 3 giống gà TP, HA, LV. Từ kết quả nghiên cứu này có thể thấy có sự khác nhau tương đối rõ về sự đa dạng di truyền gen Hsp70 giữa các giống gà nghiên cứu.

2. Mức độ biểu hiện của kiểu gen H3H3 thể hiện cao nhất ở cả mẫu cơ ngực và mẫu gan của phôi gà khi gây stress nhiệt. Kiểu gen H3H3 cũng biểu hiện cao nhất ở mẫu gan gà 40 ngày tuổi khi gây stress nhiệt. Kiểu gen H3H3 gen Hsp70 có mối liên kết với khả năng chịu stress nhiệt ở gà do vậy có thể sử dụng như là chỉ thỉ thị để hỗ trợ chọn lọc

3. Đã chọn lọc được dòng gà Ri mang kiểu gen đồng hợp H3H3 gen Hsp70 có khả năng chịu stress nhiệt. Tỷ lệ chết khi gây sốc nhiệt nhân tạo ở dòng chọn lọc là 0,89% thấp hơn 9,6% so với đàn không chọn lọc trong cùng điều kiện là 10,5%. Dòng gà chọn lọc trong giai đoạn sinh sản có tỷ lệ nuôi sống cao, năng suất trứng đến 68 tuần tuổi của dòng gà Ri chọn lọc theo kiểu gen Hsp70 ở thế hệ 1 đạt 127,1 quả/mái, gà Ri đối chứng không chọn lọc đạt 118,3 quả/mái. Ở thế hệ 2 năng suất trứng đến 58 tuần tuổi của gà Ri chọn lọc đạt 102,2 quả/mái, gà Ri đối chứng không chọn lọc đạt 96,1 quả/mái. Năng suất trứng ỏ dòng chọn lọc cao hơn đàn không chọn lọc từ ở thế hệ 1 là 7,4% và thế hệ 2 là 6,3% trong điều kiện stress nhiệt.

4. Đã chọn lọc được dòng gà LV dòng trống sinh sản có kiểu gen đồng hợp H3H3 gen Hsp70 có khả năng chịu stress nhiệt. Tỷ lệ chết khi gây sốc nhiệt nhân tạo ở dòng chọn lọc là 9%, thấp hơn 15% so với ở dòng không chọn lọc là 24%. Dòng gà chọn lọc trong giai đoạn sinh sản có tỷ lệ nuôi sống, năng suất trứng/mái/68 tuần tuổi của dòng chọn lọc và dòng đối chứng thế hệ 1 tương ứng là 158,22 và 146,17 quả (năng suất đàn chọn lọc cao hơn 8,2% so với đàn đối chứng). Ở thế hệ 2, năng suất trứng/mái/58 tuần tuổi của dòng chọn lọc và dòng đối tương ứng là 142,5 và 132,7 quả (năng suất đàn chọn lọc cao hơn 7,4% so với đàn đối chứng). Các chỉ tiêu kĩ thuật về sinh trưởng, sinh sản, tỷ lệ ấp nở của dòng gà chọn lọc qua 2 thế hệ đạt so với yêu cầu kỹ thuật.

5. Xây dựng được 01 quy trình tạo dòng gà mang gen stress nhiệt (nóng), 01 quy trình chăn nuôi gà LV dòng trống chịu stress nhiệt (nóng); 01 quy trình chăn nuôi dòng gà Ri sinh sản chịu stress nhiệt (nóng).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19245/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây