“Nông dân thiên niên kỷ” – chủ lực đổi mới nông nghiệp

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) gần đây đã chỉ ra rằng, hệ thống lương thực nông nghiệp toàn cầu chứa đựng sức mạnh và tiềm năng vô tận, hỗ trợ vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Theo một nghiên cứu được tổ chức này công bố gần đây, ở hầu hết các quốc gia nằm trong Hệ thống Thông tin Sinh kế Nông thôn của FAO, những người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 1/2 số người làm việc trong các hệ thống lương thực nông nghiệp.

Automatic Agricultural Technology With Close-up View Of Robotic Arm Harvesting Lettuce In Vertical Hydroponic Plant
Công nghệ nông nghiệp tự động với cận cảnh cánh tay robot thu hoạch rau trong nhà máy thủy canh đứng – Nguồn: istockphoto.com

Hiện nay, ở một số nước, ngày càng nhiều thanh niên có trình độ học vấn cao chọn trở về nông thôn để khởi nghiệp và tìm việc làm. Những nhóm được gọi là “nông dân mới” này đã mang lại tư duy mới, khái niệm mới và phương pháp mới cho nông thôn, thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của các hình thức kinh doanh mới như: nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hợp tác, hậu cần nông thôn, thương mại điện tử nông thôn…

“Nông dân thiên niên kỷ” trở thành chủ lực đổi mới nông nghiệp

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Tổ chức Điều phối của Nông dân và Chủ trang trại Tây Ban Nha và Viện Nông nghiệp Kỹ thuật Cao cấp của Đại học Córdoba ở Tây Ban Nha, độ tuổi của những chủ trang trại lớn ở Tây Ban Nha đang ngày càng trẻ hơn, với 30% dưới độ tuổi 35. Những thanh niên sau thiên niên kỷ này, được truyền thông Tây Ban Nha gọi là “Nông dân thiên niên kỷ”, với 75% trong số họ xuất thân từ các gia đình nông dân và 83% sống ở nông thôn. Khảo sát cũng cho thấy, 38% thanh niên làm nông nghiệp và chăn nuôi ở Tây Ban Nha có bằng đại học và 65% có ít nhất bằng cử nhân hoặc chứng chỉ đào tạo nghề nâng cao. Họ đang trở thành lực lượng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Tây Ban Nha.

Daniel Kano là một chủ trang trại mới 29 tuổi, quản lý trang trại rộng gần 400 ha ở vùng Toledo của Tây Ban Nha, trồng các loại cây như ô liu, hạt dẻ cười, măng tây và dưa hấu… Bước vào trang trại, Kano đang sử dụng máy bay không người lái để theo dõi từ xa tình hình của trang trại, phun phân bón cho đất canh tác. Khi đến thời điểm thu hoạch, máy bay không người lái cũng có thể vận chuyển nông sản qua lại giữa các trang trại và xe tải một cách có trật tự.

Kano là thế hệ thứ năm của trang trại. Trong thời gian học đại học, anh học kỹ thuật khảo sát lập bản đồ và địa hình ở Valencia, Tây Ban Nha. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc trong một công ty sản xuất máy bay không người lái ở Barcelona. Kinh nghiệm làm việc này đã cho Kano một hiểu biết mới về sự phát triển của nông nghiệp: “Thông qua việc sử dụng công nghệ cao, chúng tôi nhận ra rằng, việc bón phân không đồng đều và cần được điều chỉnh theo loại đất, độ phì nhiêu, độ dốc… để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây chính là nông nghiệp thông minh, mà chúng tôi theo đuổi”. Kano áp dụng triệt để các công nghệ mới vào nông nghiệp, không chỉ tiến hành quản lý tinh tế theo điều kiện địa phương mà còn tuân theo khái niệm nông nghiệp tuần hoàn, cố gắng tạo ra một loại đất có hệ sinh thái tự dưỡng.

Trong những năm gần đây, Tây Ban Nha đã chú ý nhiều hơn đến đổi mới và phát triển tài năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều cơ quan chức năng của chính phủ đã hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động kinh doanh, cho những người trẻ tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tổ chức và hiệp hội nông nghiệp như Viện Quan hệ Nông nghiệp, Phòng dịch vụ sản xuất nông nghiệp… trong nước, sẽ cung cấp cho giới trẻ các kỹ thuật và hướng dẫn về canh tác hữu cơ và các khía cạnh khác. Ngoài ra, Tây Ban Nha đã thành lập hệ thống kinh doanh công nghiệp hóa “chủ trang trại – hợp tác xã – công ty”. Các ban ngành, đoàn thể liên quan cũng sẽ hỗ trợ thanh niên hòa nhập tốt hơn vào chuỗi sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro. Quỹ Ingenio, một tổ chức nghiên cứu nổi tiếng của Tây Ban Nha, tin rằng thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển tích cực cũng như thúc đẩy các mô hình phát triển sáng tạo, nền nông nghiệp Tây Ban Nha đang trải qua quá trình chuyển đổi nhanh chóng.

“Phòng khám nông nghiệp lưu động” được đông đảo bà con nông dân đón nhận

Bản thân Rania cũng không ngờ rằng, sẽ trở thành một “nông dân mới” khi chưa đầy 20 tuổi và được Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune khen ngợi, động viên.

Rania học công nghệ trí tuệ nhân tạo tại trường đại học, cô đã thành lập một công ty khởi nghiệp cùng với 6 người trẻ tuổi khác. Công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy bay không người lái để tiến hành giám sát sớm bệnh rỉ sắt trên cây trồng và giải quyết vấn đề sâu bệnh gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp địa phương.

“Những đốm giống như gỉ sắt trên cây trồng thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường và nông dân không có đủ thời gian để đến tận ruộng kiểm tra từng cái một. Máy bay không người lái có thể phát hiện rỉ sét thông qua thiết bị chụp ảnh, đồng thời gửi thông tin tới nông dân thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động để nhắc nhở họ can thiệp sớm vào cây trồng bị bệnh, để giảm thiệt hại”, Rania nói với các phóng viên.

Trên các cánh đồng của Algeria, vẫn còn rất nhiều thanh niên năng động trong lĩnh vực điều trị bệnh trong trồng trọt. Một công ty có tên là “Phòng khám nông nghiệp di động” được thành lập cách đây vài năm, hầu hết các thành viên của công ty đều là sinh viên tốt nghiệp đại học với chuyên nghành nông học của địa phương. Khi các bạn trẻ này về nông thôn “khám bệnh ngoại trú”, họ dùng kiến ​​thức đã học để chẩn đoán sức khỏe cây trồng và tư vấn cụ thể về bón phân, phun thuốc trừ sâu. “Phòng khám nông nghiệp di động” ngay khi xuất hiện đã được chào đón nồng nhiệt, người nông dân đến nhờ tư vấn không ngớt.

Tại Algeria, 70% nông dân điều hành các trang trại quy mô vừa và nhỏ, diện tích trang trại trung bình dưới 10 ha và mức độ sản xuất chung của quy mô nông nghiệp không cao. Hầu hết các trang trại vừa và nhỏ đều thiếu công nghệ nông nghiệp tiên tiến, điều này từng dẫn đến năng suất cây trồng thấp và chất lượng không đồng đều. Để thay đổi tình trạng này, trong những năm gần đây, Chính phủ đã liên tiếp đưa ra các chính sách phục hồi nông nghiệp và nông thôn, “Sáng kiến ​​nông nghiệp 2019” nhằm tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp và nông thôn bằng cách tăng vốn và đầu tư kỹ thuật.

Để thu hút thêm nhiều tài năng trẻ tham gia xây dựng nông nghiệp, nông thôn, chính phủ Algeria cũng đã đưa ra phiên bản mới của luật đất đai nhằm phân chia lại một phần đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư nông nghiệp quy mô nhỏ, bao gồm cả những người trẻ tuổi. Các chính sách liên quan ưu đãi cho thanh niên sản xuất nông nghiệp về vốn và kỹ thuật. Nước này cũng đang chuẩn bị xây dựng hai trường đại học nông nghiệp mới để đào tạo thêm nhiều nhân tài nông nghiệp mới.

Dưới sự thúc đẩy chung của nhiều yếu tố, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Algeria đã được cải thiện. Trong một báo cáo do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố đầu năm nay, quốc gia này được gọi là “người đi đầu” cải thiện tính bền vững của nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ.

Chử Cường (theo mw.cn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây