Tiên Yên – Quảng Ninh: Thị trấn Tiên Yên chưa làm tròn trách nhiệm trong vụ xử lý sạt lở?

STNN – Dù đã quá thời hạn trong việc xử lý khắc phục hậu quả tình trạng sạt lở tại khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng theo yêu cầu của UBND huyện Tiên Yên, nhưng ông Phạm Văn Khánh vẫn chưa thực hiện và UBND thị trấn Tiên Yên vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để.

Thống nhất việc khắc phục

Như chúng tôi đã thông tin, gia đình bà Hoàng Thị Tằng (SN 1961) và gia đình ông Phạm Văn Khánh (SN 1960) là hàng xóm giáp ranh sinh sống tại phố Long Tiên, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Khu đất của hai gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BG857900 ngày 14/12/2006 cho gia đình bà Tằng và số Đ077549 ngày 08/11/2004 cho gia đình ông Phạm Văn Khánh.

Tuy nhiên, trong chiều ngày 23/9 và sáng ngày 24/9/2022, ông Phạm Văn Khánh đã thuê máy xúc đào đất tại khu vực giáp ranh giữa đất của gia đình ông và đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng. Quá trình đào đất này đã gây sạt lở và làm thiệt hại đến một số cây trồng trên phần diện tích đất của hộ gia đình bà Hoàng Thị Tằng. Do đó, gia đình bà Tằng đã có đơn gửi UBND thị trấn Tiên Yên giải quyết.

Tình cảnh đất sạt lở, cây cối nghiêng đổ trên khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Theo hồ sơ đo đạc của UBND thị trấn Tiên Yên, hiện trạng phần đất bị thiệt hại liên quan việc đào xúc đất của ông Khánh là 210m2. Trong đó, 75m2 là đất chồng lấn theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai gia đình còn 135m2 là đất thuộc nhà bà Tằng, số đất này được san gạt ngay xuống phía trước nhà ông Khánh.

Đến ngày 13/02/2023, UBND thị trấn Tiên Yên lập biên bản vi phạm hành chính về vụ việc. Chỉ 1 ngày sau, ngày 14/02/2023 UBND đã ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai số 25/QĐ-XPVPHC đối với ông Phạm Văn Khánh. Theo đó, ông Khánh bị xử phạt 3,5 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”.

Sau quyết định xử phạt hành chính, UBND thị trấn Tiên Yên cũng đã thống nhất rằng, ông Khánh có trách nhiệm múc đất để hoàn trả lại đất cho gia đình bà Tằng trước ngày 21/4/2023 theo biên bản hoà giải lần thứ 3 ngày 18/4/2023. Tuy nhiên, ông Khánh vẫn chưa tiến hành thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nên bà Tằng phải tiếp tục làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Sau đó, ngày 23/5/2023, UBND huyện Tiên Yên đã tổ chức buổi đối thoại giữa hai gia đình dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng huyện Tiên Yên. Tại đây, bà Tằng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết yêu cầu ông Khánh bồi thường thiệt hại đã gây ra theo hồ sơ đo đạc của UBND thị trấn Tiên Yên đã được Công an hyện Tiên Yên trả lời theo Văn bản số 393/TLĐ-CSĐT ngày 17/3/2023.

Kết luận buổi đối thoại, ông Vi Quốc Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên và các bên liên quan đã cùng thống nhất đối với tài sản cây bị thiệt hại, ông Khánh đền bù thiệt hại đối với những cây đã chết; giá trị bồi thường áp dụng theo quy định của Nhà nước. Giao UBND thị trấn Tiên Yên chủ trì phối hợp với Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành xác minh. Việc đền bù thiệt hại phải hoàn thành trước ngày 30/5/2023.

Về phần đất chồng lấn, ông Vi Quốc Phương giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thị trấn Tiên Yên và hai gia đình tiến hành xác minh ranh giới đất. Sau khi xác minh ranh giới đất, sẽ thu hồi phần diện tích chồng lấn và thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Đồng thời, ngày 25/5/2023 gia đình ông Phạm Văn Khánh tiến hành xây kè trên phần đất nhà bà Hoàng Thị Tằng, chiều cao tối thiểu là 2m, sau khi xây dựng kè xong, đề nghị ông Phạm Văn Khánh đổ đất vào chân kè, hoàn thành trước ngày 23/6/2023.

Nếu không sớm khắc phục thì tình trạng sạt lở, nghiêng đổ cây cối sẽ rất nguy hiểm cho người dân trong mùa mưa bão.

Chưa làm tròn trách nhiệm?

Mặc dù tại buổi đối thoại các bên liên quan đã thống nhất rõ như vậy, nhưng đến nay ông Khánh vẫn chưa thực hiện việc khắc phục hậu quả cho gia đình bà Tằng. Cụ thể, bà Tằng cho biết: “Đến thời điểm này là gần 1 năm từ ngày ông Khánh gây ra sạt lở đất và đã gần 1 tháng theo thời hạn cuối mà ông Khánh phải khắc phục như kết luận tại cuộc đối thoại ở UBND huyện, nhưng hậu quả do hành vi mà ông Khánh gây ra với gia đình tôi vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, mùa mưa bão đã đến rất gần, nếu có sự cố nào xảy ra đối với gia đình tôi thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân đến nay gia đình bà Tằng vẫn chưa được khắc phục hậu quả của việc sạt lở là do có đơn của ông Khánh sau cuộc đối thoại tại UBND huyện Tiên Yên. Cụ thể, tại Thông báo số 26/TB-UBND ngày 14/6/2023 của UBND cho biết, ngày 24/5/2023 ông Khánh và các hộ liên quan đã có đơn đề nghị tập thể gửi đến UBND huyện Tiên Yên. Nội dung đơn đề nghị xác minh lại nguồn gốc đất của các gia đình này do việc các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Tằng chồng lấn lên diện tích sử dụng thực tế của các gia đình này.

Sau khi tiếp nhận đơn, ngày 01/6/2023 UBND thị trấn Tiên Yên đã mời hộ gia đình ông Khánh là người làm đơn và đại diện cho các hộ gia đình có liên quan để làm việc về nội dung đơn. Tại buổi làm việc, UBND thị trấn Tiên Yên có lập biên bản để các cơ quan và chủ hộ ký. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, gia đình ông Khánh đã không ký vào biên bản.

Thông báo số 26/TB-UBND cũng nêu rõ: “Như vậy nội dung đơn của ông Phạm Văn Khánh và các hộ dân liên quan đã được xem xét giải quyết trước đó và kết luận rất rõ từng nội dung. Ngày 24/6/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Yên phối hợp với UBND thị trấn Tiên Yên phối hợp với 2 hộ gia đình để thực hiện cắm mốc thực địa thửa đất để ông Khánh tiến hành xây dựng kè chắn đất ngoài diện tích đất của ông Khánh. Sau khi xây dựng kè xong sẽ tiến hành cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Tằng cho đúng với quy định; kiểm đếm cây trên đất bị thiệt hại, tuy nhiên ông Khánh lại không đồng ý nên không thực hiện được. Đề nghị ông Khánh tiếp tục thực hiện kết luận ngày 23/5/2023 của UBND huyện”.

Liệu rằng UBND thị trấn Tiên Yên có chậm trễ trong việc xử lý vi phạm của ông Phạm Văn Khánh hay không?

“Yêu cầu ông Phạm Văn Khánh có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Quyết định số 25/QĐ-XPVPHC ngày 14/02/2023 của UBND thị trấn Tiên Yên, thời gian thực hiện xong trước ngày 22/6/2023, sau thời hạn trên, nếu ông Khánh không thực hiện, UBND thị trấn tổ chức cưỡng chế theo quy định, mọi chi phí do ông Khánh thực hiện chi trả”.

“Gia đình tôi đã sẵn sàng hiến 75m2 đất bị chồng lấn để sớm được khắc phục xong hậu quả khi mùa mưa bão đang gần kề. Thế nhưng, tôi khẳng định, đến thời điểm này, vẫn chưa có cán bộ nào đến để xác minh ranh giới đất giữa 2 gia đình. Trong khi đó, ông Khánh lại làm đơn yêu cầu xác minh lại nguồn gốc đất dù những nội dung đó đã được thống nhất tại buổi đối thoại. Để rồi UBND thị trấn Tiên Yên lấy lý do đó khiến việc khắc phục hậu quả cho gia đình tôi bị kéo dài. Thế thì UBND thị trấn đã làm tròn trách nhiệm theo chỉ đạo của UBND huyện hay chưa? Chưa kể, tuy đã thông báo rồi nhưng tại sao UBND thị trấn Tiên Yên vẫn chưa thực hiện cưỡng chế để sớm khắc phục, để gia đình tôi được yên tâm trong mùa mưa bão sắp tới?” – bà Tằng bức xúc.

Vậy, trong trường hợp này, liệu rằng có sự “tắc trách”, chậm trễ trong việc xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả cho người dân của UBND thị trấn Tiên Yên hay không? Thiết nghĩ, UBND huyện Tiên Yên cần sớm vào cuộc để kiểm tra việc “tắc trách” (nếu có) và giải quyết quyền lợi để cho người dân yên tâm trong mùa mưa bão sắp tới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Minh Quang

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhà tôi ở số nhà 350 phố Long Thành cũng bị sạt lở, và cũng đã lên UBND thị trấn Tiên Yên để trình bày sự việc mong chính quyền có giải pháp xử lý, dọn dẹp, xúc đất giải phóng khu vực bị sạt lở. UBND thị trấn chỉ đạo, chỉ cho phép nhà tôi phải tự thuê máy xúc, xe tải, ben múc chở số đất bị sạt lở để đổ lên khu tái định cư mà Công ty Thành Dương hiện tại đang san lấp mặt bằng, tạo khu dân cư mới cách đó 2km. Toàn bộ chi phí nhà tôi phải tự chi trả hết: từ thuê máy xúc, đến thuê xe tải ben tự chuyển đất đi đổ. Bên cạnh đó, nhà tôi cũng xin chủ trương đổ đất xuống khu vườn ruộng gần nhà mà UBND thị trấn không cho phép. Tôi khá bức xúc, tại sao lại chỉ đạo gia đình tôi phải chịu các chi phí chở đổ đất cho một công trường đang làm tái định cư, trong khi họ phải đi mua đồi, mua đất về đổ để san gạt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây