Vai trò định hướng của báo chí cách mạng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

05STNN – Báo chí cách mạng với bề dày lịch sử, đóng vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, định hướng dư luận trước các thông tin. Trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Đảng, báo chí cách mạng đã phát huy vai trò trong việc cổ động đoàn kết, bênh vực quyền lợi của nhân dân.

Ngay khi Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, từ cuối năm 1939, Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Cái cốt yếu là phải ra báo bí mật” để trang bị vũ trang tư tưởng cho toàng Đảng và Nhân dân. Đánh giá cao vai trò của báo chí trên mặt trận tư tưởng vì “Không đánh tan sức mạnh tuyên truyền phản động của bọn tay sai đế quốc Pháp, bọn Pháp Việt đề huề, bọn quốc gia cải lương, bọn thân Nhật, không gỡ mặt nạ bọn Tờ-rốt-kít bọn khoác áo thầy tu làm đầy tớ cho đế quốc trong dân chúng, thì phong trào phản đế không phát triển được”. Chính vì vậy, sau khi báo Dân Chúng của Trung ương Đảng bị đóng cửa, trong khi Đảng chưa có một tờ báo thống nhất thì ở mỗi xứ riêng lại có một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền cổ động cho toàn xứ: Tiến lên ở Nam Kỳ, Bỏ xiềng xích ở Trung Kỳ, Giải phóng ở Bắc Kỳ. Một số khu, liên tỉnh và tỉnh dần dần cũng có báo riêng. Chính sự phát triển phong phú của báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ảnh hưởng rộng rãi của Đảng với quần chúng nhân dân, tăng cường vị thế của Đảng trong đấu tranh vận động cách mạng, góp phần tạo nên thành công của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Họa bản báo Việt Nam độc lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao - Bắc - Lạng, số ra ngày 25-5-1945.
Họa bản báo Việt Nam độc lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao – Bắc – Lạng, số ra ngày 25-5-1945.

Trong giai đoạn cách mạng 1945 đã có gần 40 tờ báo và tạp chí in trong nước như: Việt Nam độc lập, Thanh niên, Cờ giải phóng; Cứu quốc, Kèn gọi lính…. do các cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng, Xứ ủy, Liên Khu ủy và Tỉnh ủy, tiêu biểu là nhà báo Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh…. trực tiếp phụ trách, trong đó Cờ Giải PhóngCứu quốc (1942-1945) là hai tờ báo có nhiều cống hiến nhất vào việc tổ chức lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đặc điểm chung của những tờ báo này là đều đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và mang tính định hướng dư luận lớn. Một số tờ báo đã bắt đầu đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế, kêu gọi nhân dân nhìn nhận lại kẻ thù chính của dân tộc.

Với cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, giản dị có tranh minh họa sử dụng văn vần nhằm giúp mọi người dễ đọc, dễ hiểu. Hình thức thể hiện về nội dung cũng rất phong phú với các mục: bình luận, xã luận, người tốt việc tốt, thơ, ca dao, vè mang đậm chất cổ động, nội dung kêu gọi hành động giành chính quyền về tay nhân dân. Bằng nhiều hình thức khác nhau trong tuyên truyền, có thể là báo chí viết bằng tay, báo in li tô, có thể báo viết trong tù ngục, báo viết ở nông thôn… nhưng mục đích là động viên nhân dân cả nước lợi dụng, tận dụng thời cơ thế giới đang đến gần đứng lên đấu tranh giành chính quyền.

Báo Cờ giải phóng, cơ quan truyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương số 2, ngày 26-8-1943

Báo Cờ Giải phóng với danh nghĩa là cơ quan truyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến khi Trung ương quyết định Đảng ta vào hoạt động bí mật, ra tuyên bố tự giải tán, tờ Sự thật số 1, ra ngày 05/12/1945 là cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương đã thay thế báo Cờ Giải phóng. Số đầu tiên ra mắt ngày 10/10/1945 và số cuối cùng là ngày 18/11/1945, tồn tại trong 3 năm Cờ Giải phóng là tờ báo cách mạng thành công nhất cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện với các chủ đề: Phổ biến đường lối, chính sách lớn của Ðảng và của Mặt trận Việt Minh tiêu biểu như “Vấn đáp về chính sách của Đảng” đăng trên số 2 ra ngày 26/8/1943 và một loạt bài trình bày quan điểm của Đảng thông qua ngòi bút chính luận sâu sắc như: “Tiến tới mặt trận dân chủ thống nhất chống Nhật ở Đông Dương”, “Chủ trương liên minh với Pháp Đờ-Gôn” (số 3, ngày 15/2/1944), “Vẫn chính sách liên minh với Pháp Đờ Gôn” (số 4 ngày 13/4/1944), “Trở lại chính sách liên minh Pháp Đờ Gôn” (số 6, ngày 18/7/1944), “Chung quanh chính sách liên minh với Pháp Đờ Gôn – vài câu trả lời cần thiết” (số 9, ngày 25/12/1944)… Chủ đề tiếp theo thông qua các bài vạch trần âm mưu thâm độc của Phát xít Nhật và bọn tay sai thân Nhật đủ màu sắc. Trong loạt bài về chủ đề này đáng chú ý nhất là bài: “Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương” (số 11, ngày 25/3/1945) đã vạch rõ “Cuộc đảo chính là một cuộc cướp giật mà kẻ chủ động là bọn đế quốc quân phiệt Nhật”. Từ giữa năm 1944, tập trung một loạt bài tuyên truyền cho việc chuẩn bị khởi nghĩa tiêu biểu với các bài viết “Hãy nắm lấy khâu chính” (số 6, ngày 23/7/1944), “Bồi bổ vật chất cho cuộc khởi nghĩa” (số 7, ngày 28/9/1944), “Việc võ trang các đội tự vệ” (số 8, ngày 10/11/1944); “Chúng ta học được gì qua cuộc đấu tranh vũ trang ở Thái Nguyên”, (số 10, ngày 28/01/0945), “Sửa soạn tổng khởi nghĩa – chọn căn cứ địa” (số 15, ngày 17/7/1945). Ngoài hai chủ đề trên, Cờ Giải phóng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, kêu gọi “Hãy gạt bỏ thành kiến mà đi vào đường lối của Đảng, thủ tiêu khẩu hiệu của riêng mình mà theo khẩu hiệu của Đảng. Sự thống nhất của Đảng ở Nam Kỳ, một phần lớn là do thái độ tự phê bình bônsêvích của các đồng chí ấy mà quyết đinh. Chúng ta sẽ phạm một tội lớn, nếu trước giờ quyết liệt, chúng ra còn chia rẽ mãi!”.

Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, số ra ngày 10/02/1942
Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, số ra ngày 10/02/1942.

Cùng với việc phân tích tình hình trong nước, các bài báo Cờ Giải phóng cũng theo sát những diễn biến của tình hình thế giới trong các bài viết như “Tại sao Quốc tế Cộng sản đã tự giải tán” (số 2, ngày 26/8/1943), “Phát xít Đức đã tắt thở”, (số 13, ngày 16/5/1645)…

Là cơ quan ngôn luận của tổng bộ Việt Minh, cơ quan tuyên truyền cổ động của Mặt trận dân tộc thống nhất, báo Cứu quốc bí mật còn là tiếng nói của Đảng với đông đảo cán bộ, các đoàn thể và quần chúng cách mạng. Nhiệm vụ của báo Cứu quốc là phổ biến đường lối chủ trương, giải thích các chính sách của Đảng, của Mặt trận, vạch mặt, vạch trần các âm mưu xảo quyệt của phát xít Nhật và tay sai, gây căm thù bọn bán nước và cướp nước, đoàn kết nhân dân, tổ chức các đoàn thể cách mạng, mở rộng đoàn thể cứu quốc, động viên, hướng dẫn quần chúng chống địch, tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ lời văn thống thiết hùng hồn như: “Cứu quốc cảm thấu và hiểu rõ tất cả những nỗi ấy, cái nỗi nhục nhằn của một dân tộc lầm than, cái nỗi xót xa của những tâm hồn yêu nước…. cho nên trong cuộc đấu tranh quyết liệt này, Cứu quốc mong rằng các chiến sĩ bị cầm tù hãy phấn khởi thêm tinh thần, cửa ngục sẽ phá tung các bạn ra ngoài tự do ánh sáng”(Cứu quốc ngày 10/2/1942); Đến việc đi sâu phân tích nhằm gây căm thù, phát động đấu tranh chống Pháp Nhật bóc lột, đàn áp, cướp của giết người, chống luận điệu và hành động bán nước “… khắp mấy tỉnh Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ, nhân dân chúng ta đã phải đau lòng nhổ những câu ngô mà bắp mới “ôm em”. Và toàn cõi Đông Dương bao nhiêu người đành chịu ăn đói mặc rét, nuốt nước miếng trông theo những xe đầy thóc phải chở dâng cho Nhật…” (Cứu quốc ngày 15/7/1943). Xây dựng củng cố tổ chức các đoàn thể cách mạng, các đội tự vệ, đoàn kết, lôi kéo tầng lớp nhân dân đứng về phía cách mạng, chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa, như “Năm 1943, năm hy vọng. Năm 1943 đối với chúng ta là năm sẵn sàng hành động. Chúng ta đang tiến tới tổng khởi nghĩa một cách chắc chắn. Việt Minh phải đưa quần chúng ra tranh đấu chống cướp bóc, cướp đất, chống tăng sưu, tăng thuế, chống đàn áp, bắt phu” (Cứu quốc ngày 09/02/1943)…

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng đã phát huy vai trò của báo chí vào thực tiễn cách mạng, nhằm khơi dậy quyết tâm, phản bác lại các luận điệu lừa bịp của kẻ thù, đoàn kết dân tộc, cùng nhân dân quyết chớp thời cơ vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ được 91 đầu báo, tạp chí cách mạng Việt Nam xuất bản từ năm 1928 đến 1945 như: Tạp chí Đỏ, Tranh đấu, Dân cày, Việt Nam Độc lập, Cờ Giải phóng, Cứu quốc… Đây là vừa là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn ở trong và ngoài nước, là những di sản văn hóa vật thể của lịch sử dân tộc; đồng thời, cũng là lợi thế riêng có, vượt trội của Bảo tàng Lịch sử quốc gia so với các cơ quan, trung tâm lưu trữ ở Việt Nam. Mỗi trang báo, số báo, sưu tập báo luôn được Bảo tàng lưu giữ, bảo quản cẩn trọng và phát huy giá trị, phục vụ công chúng tham quan.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Tài liệu tham khảo:
1. Báo Cờ Giải phóng 1943 – 1945, NXB Văn hóa – Thông tin, 2007.
2. Báo Cứu quốc 1942 – 1945, NXB Tri thức, 2017.
3. /ve-bao-chi-cach-mang-viet-nam-truoc-nam-1945-phan-1-161dr.html.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây