Thế hệ vàng lên non “gieo chữ”

STNN – Thầy Nguyễn Công Tước thuộc thế hệ nhà giáo đầu tiên “lên non gieo chữ” và được gọi là thế hệ vàng những chiến sĩ văn hóa tiên phong đem con chữ lên với vùng cao.

Với hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy giáo Nguyễn Công Tước luôn là tấm gương mẫu mực của nhiều thế hệ học sinh Yên Bái.
Với hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy giáo Nguyễn Công Tước (người bên tay trái) luôn là tấm gương mẫu mực của nhiều thế hệ học sinh Yên Bái.

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chàng trai Hà Nội mang con chữ lên vùng cao

Những ngày cuối thu, chúng tôi trở về thôn Quyên, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thăm gia đình thầy giáo Nguyễn Công Tước, thăm lại mái trường xưa, nơi có “khoảng trời, sân nắng” mà từ đây chúng tôi khôn lớn thành người. Hơn 40 năm, khoảng trời ký ức của tuổi thơ vẫn vẹn nguyên.

Thầy Nguyễn Công Tước sinh ra và lớn lên tại làng Tương Mai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ (này thuộc quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Thầy là đội viên Đội Thanh niên Cứu quốc Hà Đông. Năm 1945, đất nước gặp vô vàn khó khăn bởi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Bác Hồ, thầy được tổ chức đào tạo cấp tốc một Khoá huấn luyện cán bộ bình dân học vụ để sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên Tây Bắc diệt giặc dốt.

Ký ức vẹn nguyên về những ngày xuyên rừng, vượt núi

Tháng 11/1946, chàng trai Hà Nội vừa tròn 16 tuổi nhận được lệnh rời Hà Nội để lên Tây Bắc dạy học. Sự nghiệp trồng người của thầy bắt đầu từ đó. Đón thầy là hai cán bộ của Tỉnh ủy Tuyên Quang. Hành trình đem con chữ lên với học trò vùng cao của thầy thật gian nan: ngày đi bộ, đêm ngủ rừng; đói, rét, cùng muỗi rừng, vắt núi và nguy hiểm hơn là rắn độc, hổ, báo, lợn rừng rình rập… cũng không làm chùn bước chân thầy giáo trẻ.

Sau 93 ngày đêm vất vả, thầy và hai cán bộ của Tỉnh ủy Tuyên Quang cũng đến được phủ Yên Bình (lúc bấy giờ, phủ Yên Bình thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang). Thầy được tổ chức phân công lên xã Phan Thanh, huyện Lục Yên để xây dựng cơ sở, vận động nhân dân đi học bình dân học vụ.

Lúc đó, tất cả đều là con số không: không có cơm ăn, hạt muối khi đó cũng là thứ xa xỉ, không có tổ chức để liên hệ làm việc, không có thông tin, chưa biết tiếng đồng bào, không quen phong tục tập quán của đồng bào nên cả trong đời sống và việc giao tiếp đều hết sức khó khăn.

Trong khó khăn, lời dạy của Bác tiếp thêm sức mạnh

Dù khó khăn đến đâu, thầy vẫn luôn nhớ và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ: Muốn làm được cách mạng phải “lấy dân làm gốc”. Thầy học tiếng đồng bào. Ban ngày, thầy cùng đồng bào đi làm nương rẫy, học đồng bào cách làm bẫy để bắt chim, bắt chuột, đánh cá… cải thiện bữa ăn. Đêm về, bên bếp lửa, thầy kể chuyện cho người già, trẻ nhỏ trong bản.

Chỉ sau một thời gian ngắn làm công tác dân vận, thầy được bà con dân bản tin yêu. Hàng đêm, bên bếp lửa hồng, bắt đầu có tiếng “o”, “a” học chữ từ gia đình cụ Phó Hàm. Dần dà, lớp học của thầy thu hút bà con thôn bản đến học chữ ngày càng đông. Bảng khi đó chỉ là chiếc mo cây móc, phấn là than củi. Sự nghiệp gieo chữ của thầy khởi đầu gian nan là thế.

Năm 1947, cơ sở cách mạng được thành lập ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Tuyên Quang. Thầy được tổ chức mời về giúp việc cho Ủy ban hành chính xã An Thọ, thuộc huyện Yên Bình. Ngày làm việc ở Ủy ban, tối về, thầy vẫn miệt mài với những lớp học bình dân học vụ. Sau này, thầy về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Yên Bình. Nghề dạy chữ đã níu chân chàng trai Hà Nội ở lại, lập gia đình, gắn bó với miền sơn cước đến tận bây giờ.

Tuổi hưu nhưng trí không hưu

Khi thầy nghỉ hưu, tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, thầy vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Năm nay, thầy đã 92 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Gia đình thầy sống giản dị trong căn nhà nhỏ và khu vườn đầy hoa trái. Với những đóng góp của mình cho đất nước, cho ngành giáo dục, thầy vinh dự được Nhà nước tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo, Huy chương Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Suốt chặng đường dài rời xa chốn thị thành lên rừng thiêng gieo chữ, gửi trọn cả thanh xuân cho vùng quê Yên Bái, với hơn 42 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ giáo viên và học sinh nơi đây.

Khi thầy nghỉ hưu, tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, thầy vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Thầy kiên trì, chịu khó, sáng tạo, làm gương trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, cải thiện cuộc sống. Không chỉ là người thầy giỏi dạy chữ, thầy còn là một đảng viên gương mẫu, một tấm gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học. Trong phong trào Xây dựng nông thôn mới, thầy cũng là người đi đầu, đóng góp và hiến đất để làm đường giao thông nông thôn.

Tạm biệt thầy, người thầy đáng kính của biết bao thế hệ học sinh vùng cao, xin được mượn lời thơ của GS. TSKH. NGƯT Đinh Văn Nhã để tặng thầy:

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho đời đầy “trái ngọt hoa tươi”!

Đức Huấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây