Văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa

STNN – Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam. Chỉ ngắn gọn, súc tích với 1.500 chữ, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo nên cả một bước ngoặt lịch sử.

Bản Cương lĩnh đầu tiên, chiến lược đầu tiên về văn hóa.
Bản Cương lĩnh đầu tiên, chiến lược đầu tiên về văn hóa.

Từ ngày 25 – 28/02/1943, tại Võng La (nay là xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp để quyết định những vấn đề liên quan đến sự nghiệp kháng chiến, giải phóng dân tộc.

Tại hội nghị này, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua, đây được xem như là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng. Nội dung cơ bản của Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc.

Đề cương xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Đề cương chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật – Pháp; những thủ đoạn của Nhật – Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.

Để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta, phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

Để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít là phải chống lại văn hóa phátxít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ…

Từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua đến nay, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở tổng kết những thành tựu đã đạt được về lĩnh vực văn hoá những năm đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 Khoá VII về một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt, ngày 14/01/1993 và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 Khoá VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là văn kiện chuyên đề, sâu sắc và toàn diện về văn hoá sau Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa có tính cương lĩnh hành động trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới để thực sự bước vào thời kỳ CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, tạo bước ngoặt về tư duy và nhận thức văn hóa. Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (tháng 7-2004) đã khẳng định: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII thực sự có ý nghĩa chiến lược về văn hóa của Đảng ta.

Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên - Ảnh tư liệu.
Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên – Ảnh tư liệu.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào tháng 01/2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, đồng thời là mục đích của việc phát triển văn hóa. Đây vừa là kết quả của quá trình tiếp thu, đúc kết tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo trên mặt trận văn hóa của Đảng từ khi ra đời, đặc biệt là từ quá trình thực hiện Đề cương về văn hóa năm 1943.

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, trong bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục nhấn mạnh: Vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá: Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn,… Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Đã 80 năm trôi qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trước lúc đi xa, cũng là mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tại Đại hội XIII – vì một nước Việt Nam “hùng cường, thịnh vượng”…

Hồng Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây