Các loài lưỡng cư trên thế giới tiếp tục đối diện với nguy cơ tuyệt chủng bởi những yếu tố đe dọa mới

STNN – Các loài lưỡng cư trên thế giới tiếp tục đối diện với nguy cơ tuyệt chủng bởi những yếu tố đe dọa mới là công bố mới đây trên Tạp chí quốc tế Nature vào tháng 10 năm 2023 (https://doi.org/10.1038/s41586-023-06578-4). Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu của 123 nhà khoa học trên toàn thế giới trong đó có GS.TS Nguyễn Quảng Trường thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Các loài lưỡng cư trên thế giới tiếp tục đối diện với nguy cơ tuyệt chủng bởi những yếu tố đe dọa mới
Cá cóc Việt Nam (Tylototriton vietnamensis), loài đặc hữu và được bảo vệ ở Việt Nam.

Lưỡng cư là nhóm động vật có xương sống rất đa dạng, ghi nhận phân bố ở hầu hết các dạng sinh cảnh trên thế giới. Do đời sống của các loài lưỡng cư gắn liền với cả môi trường nước và cạn nên nhiều loài lưỡng cư có sinh cảnh sống rất đặc trưng và vùng phân bố hẹp, thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Chính vì vậy, thông tin về quần thể của các loài lưỡng cư có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về sức khỏe và sự cân bằng trong hệ sinh thái. Việc đánh giá một cách có hệ thống về nguy cơ tuyệt chủng của các loài là rất cần thiết để cung cấp cơ sở cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Thông qua chương trình Đánh giá các loài lưỡng cư toàn cầu (GAA) của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hơn 1.000 chuyên gia đã đánh giá hiện trạng bảo tồn của 8.011 loài lưỡng cư trên toàn thế giới trong hơn 10 năm qua. Kết quả cho thấy, bên cạnh nhiều loài mới được phát hiện, các loài lưỡng cư cũng đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng rất cao. Lưỡng cư là nhóm động vật có xương sống có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất với 2.873 loài (tương ứng 40,7% tổng số loài lưỡng cư trên toàn cầu) được phân hạng ở các bậc bị đe dọa tuyệt chủng khác nhau. Đặc biệt là nhóm cá cóc, có tới 3/5 số loài bị đe dọa. Ước tính có tới 222 loài được phân hạng ở bậc tuyệt chủng (EX) bao gồm 37 loài đã chính thức tuyệt chủng và 185 loài không còn ghi nhận quần thể đang tồn tại.

Mất sinh cảnh sống là yếu tố đe dọa lớn nhất đến lưỡng cư, ảnh hưởng tới 93% tổng số loài bị đe dọa trên toàn cầu, chủ yếu là do tác động của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác gỗ và lâm sản, phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong các thập kỷ gần đây, dịch bệnh do nấm gây ra cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quần thể lưỡng cư, đặc biệt là chủng nấm mới phát hiện lây nhiễm trên các loài cá cóc ở châu Âu làm dấy lên lo ngại về dịch bệnh trên động vật (ảnh hướng đến 29% tổng số loài).

Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề mới nổi ảnh hưởng tiêu cực đến các loài lưỡng cư (29% tổng số loài) vì chúng rất nhạy cảm với thay đổi của môi trường. Theo các mô hình dự báo, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng mức độ tuyệt chủng của khoảng 39% số lượng loài được đánh giá nâng bậc đe dọa kể từ năm 2004, theo sau là yếu tố mất sinh cảnh sống (chiếm 37%).

Các loài lưỡng cư phân bố không đồng đều trên Trái đất, tập trung ở các khu rừng mưa ẩm nhiệt đới. Khu hệ lưỡng cư trên các đảo với mức độ đặc hữu cao và đang phải đối mặt với hiện tượng mất sinh cảnh, như các đảo vùng Caribbean, có tỉ lệ các loài bị đe dọa đặc biệt cao. Rừng nhiệt đới ở châu Mỹ, nơi ghi nhận phân bố của hơn nửa số lượng loài lưỡng cư trên thế giới cũng có tới 48% số loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Trước thực trạng trên, cần đầu tư và thực hiện kịp thời các hoạt động bảo tồn để hạn chế suy giảm quần thể và đảo ngược xu hướng đe dọa tuyệt chủng của các loài lưỡng cư trong tương lai. Kinh nghiệm cho thấy kể từ năm 1980 đến nay, đã có 63 loài lưỡng cư được hạ bậc đe dọa nhờ các nỗ lực bảo tồn. Các hoạt động ưu tiên là bảo vệ các khu vực quan trọng đối với các loài lưỡng cư. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Nguồn: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây