Các phương án kết nối TP.HCM với Đồng Nai vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn

STNN – TP.HCM và Đồng Nai đã cơ bản thống nhất các phương án cầu kết nối giữa hai địa phương, nhưng thời gian đầu tư xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái và quy mô cầu kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngày 19/7/2023, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 3468/UBND-DA gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai về phương án kết nối giao thông giữa 2 địa phương. Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến thống nhất các nội dung đối với việc xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái, cầu kết nối TP. Thủ Đức với xã Tam An (huyện Long Thành) và cầu kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch.

Cụ thể, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã cơ bản thống nhất đối với các phương án cầu kết nối giữa 2 địa phương, nhưng có 2 nội dung chưa thống nhất. Một là, thời gian đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái kết nối TP. Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch: UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị đầu tư trước năm 2025 nhằm sớm xóa bỏ phà Cát Lái, thay vì đầu tư sau khi hoàn thành tuyến Vành đai 3, đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác và kế hoạch, lộ trình di dời, sắp xếp các cảng biển (sau năm 2030).

TP.HCM và Đồng Nai vẫn chưa thống nhất được thời gian đầu tư cầu thay phà Cát Lái (Ảnh: Mô phỏng cầu Cát Lái).

Hai là, về quy mô cầu kết nối khu Nam TP.HCM (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai: UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị cập nhật quy mô tuyến cầu và đường dẫn phía bờ TP.HCM đạt quy mô 8 làn xe đồng nhất quy mô tuyến ĐT.769D (25C), thay vì 6 làn xe như đề xuất của TP.HCM.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 4827/BGTVT-KHĐT ngày 11/5/2023 và kết quả rà soát, đánh giá các nội dung chưa thống nhất giữa 2 địa phương về các phương án kết nối giao thông. Đồng thời, các nội dung này đã được UBND TP.HCM chỉ đạo rà soát, đánh giá trong quá trình nghiên cứu các phương án cầu kết nối.

Từ đó, UBND TP. HCM cho rằng, về thời gian đầu tư cầu thay phà Cát Lái thì hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành đầu tư cầu Nhơn Trạch kết nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với TP.HCM (thuộc dự án thành phần 1a – dự án Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM) với quy mô 4 làn xe và dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung đầu tư 4 làn xe phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho xe thô sơ; thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Như vậy, sau khi hoàn thành cầu Nhơn Trạch, về cơ bản đã giải quyết được một phần nhu cầu kết nối giữa huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Ngoài ra, hiện nay tuyến đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái phía TP.HCM đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nên Thành phố đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3 TP.HCM; thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026 – 2030.

Trước thực tế trên, theo UBND TP.HCM thì thời điểm đề xuất đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái sau khi hoàn thành tuyến đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Vành đai 3 và đưa vào khai thác (dự kiến giai đoạn 2026 – 2030) là phù hợp.

Cũng theo UBND TP.HCM, đối với quy mô cầu kết nối khu Nam TP.HCM (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch thì việc xác định số làn xe các cầu kết nối đã được nghiên cứu, tính toán trên cơ sở dự báo và phân bổ lưu lượng giao thông theo các hướng kết nối giữa 2 địa phương.

Theo đó, tại khu vực huyện Nhơn Trạch đã dự kiến bố trí 4 cầu kết nối với TP.HCM bao gồm: cầu Bình Khánh – Phước Khánh (thuộc dự án Cao tốc Bến Lức – Long Thành đang triển khai), cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1a – dự án Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đang triển khai) và bổ sung cầu thay phà Cát Lái (6 làn xe) và cầu kết nối khu Nam TP.HCM (6 làn xe).

Ngoài ra, 2 địa phương này cũng chưa thống nhất được một số tuyến cầu kết nối giao thông (Ảnh minh họa).

Mặt khác, theo quy hoạch được duyệt, đường Hoàng Quốc Việt phía TP.HCM có lộ giới 30m, hiện trạng các nhà cao tầng đã xây dựng dọc 2 bên tuyến; do đó, việc mở rộng lộ giới tuyến đường Hoàng Quốc Việt để đảm bảo 8 làn xe như đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai là không khả thi.

Tại văn bản này, nhằm đảm bảo thống nhất các phương án cầu kết nối giữa 2 địa phương, UBND TP.HCM đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến thống nhất thực hiện các thủ tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch cầu thay phà Cát Lái, cầu kết nối TP. Thủ Đức với xã Tam An (huyện Long Thành) và cầu kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch vào Đồ án quy hoạch của 2 địa phương thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác liên quan.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất hướng tuyến đối với cầu thay phà Cát Lái theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 631/TTg-CN ngày 09/5/2017 với quy mô đầu tư 6 làn xe; thời gian đầu tư xây dựng sau khi tuyến đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác.

Đối với cầu kết nối TP. Thủ Đức với xã Tam An (huyện Long Thành) thống nhất hướng tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 TP.HCM (tại vị trí nút giao Gò Công) kết nối với ĐT777B theo quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành với quy mô 6 làn xe.

Đối với cầu kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, thống nhất hướng tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi dọc đường Hoàng Quốc Việt (Quận 7) kết nối Khu dân cư Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch). Cầu này sẽ được đầu tư xây dựng vào giai đoạn 2026-2030 với 6 làn xe. Điều này nhằm đảm bảo yêu cầu kết nối giao thông giữa 2 địa phương và đảm bảo tính khả thi khi tiến hành triển khai đầu tư xây dựng phía TP.HCM.

Anh Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây