Để ngành chăn nuôi không còn bị nắm yết hầu (kỳ 2)

Kỳ 2: TỰ CHỦ VỀ NGUỒN GEN MỚI CHỈ LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU

STNN – Tại thị trấn Bằng Phổ, thành phố Di Lặc, châu Hồng Hà, cách thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khoảng 170km về phía đông nam, có một trang trại chăn nuôi gà thịt lông trắng với diện tích 3.600 mẫu, ẩn mình sâu trong một thung lũng. Đây là nơi tạo nên “kỳ tích” cho ngành nông nghiệp Trung Quốc với giống gà thịt lông trắng “Quảng Minh số 2”.

Cơ sở nhân giống của Công ty Nông nghiệp và Chăn nuôi Tân Quảng – Nguồn: Internet

“Quảng Minh số 2” được sinh ra trong núi sâu và trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc

Ngày 03/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã ban hành Thông báo số 498 công bố 18 giống gia súc, gia cầm mới (dòng hỗ trợ) và 18 nguồn gen gia súc, gia cầm đã được Ủy ban Quốc gia về nguồn gen gia súc, gia cầm thẩm tra và công nhận trong đó có giống gà thịt lông trắng “Quảng Minh số 2”.

Người Trung Quốc đã chờ đợi ngày này quá lâu. Họ kỳ vọng giống gà thịt lông trắng do chính người Trung Quốc lai tạo sẽ góp phần đưa ngành chăn nuôi gà thịt lông trắng của đất nước này bước vào một thời đại mới.

Hiện nay, các doanh nghiệp nông nghiệp ở Sơn Đông, Hà Bắc và Liêu Ninh (Trung Quốc) đã hoàn thành việc giới thiệu 200.000 bộ con giống. Cơ sở chăn nuôi gà thịt lông trắng Tân Quảng có thể nuôi 300.000 bộ giống ông bà và 700.000 bộ giống bố mẹ. Mục tiêu là đến năm 2025, đảm bảo cung cấp 9 triệu bộ giống bố mẹ.

Mười năm tạo giống, tiêu tốn số vốn khổng lồ

Công việc nhân giống gà “Quảng Minh 2” được bắt đầu vào năm 2010. Công ty Nông nghiệp và Chăn nuôi Tân Quảng là doanh nghiệp đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện chăn nuôi gà thịt lông trắng. Công việc chăn nuôi giống gà này là một hành trình rất gian khổ và lâu dài.

Việc lai tạo thuần các giống gà thịt lông trắng rất khó, từ chế độ dinh dưỡng, quản lý sức khỏe, quản lý quá trình sinh trưởng và phát triển… đều khó. Phải mất khoảng 5 năm, các chuyên gia mới có thể phát triển một giống gà thịt mới.

Hơn 3.000 gà con chất lượng cao được sàng lọc trong số 10.000 gà con, nhưng trong quá trình tạo giống các nhà nghiên cứu chỉ chọn ra 1.000 con đáp ứng đủ cả 3 tiêu chí về tốc độ tăng trưởng, năng suất đẻ trứng và chi phí thức ăn. Nhà nghiên cứu Triệu Quế Bình (Viện Chăn nuôi và Thú y Bắc Kinh, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc) nói, 350 triệu nhân dân tệ đã được đầu tư vào phòng thí nghiệm ở thị trấn Bằng Phổ thành phố Di Lặc nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn.

Tự chủ về nguồn gen mới chỉ là điểm khởi đầu

Chăn nuôi giống như chèo thuyền ngược dòng, nếu bạn không tiến lên, bạn sẽ bị đẩy lùi. Chăn nuôi cũng là một quá trình chọn lọc, đào thải và thay thế liên tục, và một khi ngừng đổi mới ắt sẽ bị thị trường bỏ rơi về phía sau.

Sự kết hợp giữa Viện Chăn nuôi và Thú y Bắc Kinh, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc với Công ty Nông nghiệp và Chăn nuôi Tân Quảng vào năm 2014 để cùng phát triển mới giống gà thịt lông trắng đã mở ra một bước đột phá lớn. Năm 2017, Viện đã áp dụng hệ thống công nghệ chọn lọc bộ gen đầu tiên dựa trên chip nhân giống “Kinh Tâm số 1” vào chăn nuôi gà thịt lông trắng “Quảng Minh số 2” – ứng dụng trong nước của nhân giống chip gen.

Với cách chăn nuôi truyền thống, người ta dùng mắt thường để đánh giá năng suất và tính ưu việt của một giống mới. Việc quan sát để so sánh, đánh giá năng suất giữa các thế hệ chỉ có thể đợi gà thịt lông trắng đẻ trứng, phát triển và đẻ trứng trở lại trước khi sàng lọc ra những lứa có năng suất sinh trưởng tốt. Như vậy, phải mất hơn 1 năm để nuôi một thế hệ, và quá trình nhân giống tương đối chậm.

Với biochips, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng dữ liệu để sàng lọc những con non có các tính trạng ưu việt khi vật liệu nhân giống vẫn là gà con. Phương pháp này cho kết quả là nhanh gấp đôi tốc độ chăn nuôi thông thường và tiết kiệm được 2-3 thế hệ chăn nuôi. Nhà khoa học Triệu Quế Bình cho rằng: Kinh nghiệm thành công của giống gà “Quảng Minh số 2” là: Các cơ sở nghiên cứu khoa học phải hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và áp dụng thương mại hóa dựa trên sự hợp tác với doanh nghiệp; mô hình chăn nuôi phải thực sự hiện thực hóa sự kết hợp giữa sản xuất, giáo dục và nghiên cứu.

Lê Thúy (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây