Để ngành chăn nuôi không còn bị nắm yết hầu (kỳ 1)

Kỳ I: PHỤ THUỘC VÀO CON GIỐNG NHẬP KHẨU, KHÁC NÀO BỊ NẮM YẾT HẦU

STNN – Giống là “chip” cho nông nghiệp, với sự xuất hiện của “Quảng Minh số 2”, Trung Quốc đã có “chip” của riêng mình trong lĩnh vực gà thịt lông trắng. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn có con “chip” sinh học đầu tiên để tạo giống – “Kinh Tâm (Jingxin) số 1”.

Trang trại chăn nuôi gà thịt lông trắng tại Di Lặc, Vân Nam – Nguồn: Viện Chăn nuôi và Thú y Bắc Kinh, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.

Tại thị trấn Bằng Phổ, thành phố Di Lặc, châu Hồng Hà, cách thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khoảng 170km về phía đông nam, có một cơ sở chăn nuôi với diện tích 3.600 mẫu, ẩn mình sâu trong một thung lũng, ngay cả người dân địa phương cũng rất khó để tìm thấy nơi này.

Cho dù tình trạng giao thông khó khăn, nhưng giống gà thịt lông trắng “Quảng Minh số 2″ xuất hiện tại đây, tác động tích cực đến thị trường gà thịt ở Hoa Bắc và Đông Bắc Trung Quốc.

“Việc tự chủ về giống như Quảng Minh số 2 đồng nghĩa với việc ngành chăn nuôi gà lông trắng của Trung Quốc không còn bị nắm yết hầu nữa” – Văn Kiệt, nhà khoa học hàng đầu của Hệ thống kỹ thuật công nghiệp gà thịt quốc gia, Phó trưởng phòng Nghiên cứu thú y chăn nuôi gia súc Bắc Kinh (Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc) phát biểu trên một diễn đàn về nông nghiệp.

Trước đây, ngành chăn nuôi gà lông trắng của Trung Quốc phụ thuộc 100% vào nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2010, một số doanh nghiệp chăn nuôi và các đơn vị nghiên cứu khoa học Trung Quốc bắt đầu tìm cách giải quyết các vấn đề then chốt trong chăn nuôi. 10 năm sau, ba giống gà thịt lông trắng lớn trong đó có “Quảng Minh số 2” chính thức được phê duyệt. Kể từ đây, Trung Quốc đã có giống gà thịt lông trắng của riêng mình.

Gà thịt lông trắng chiếm thị phần chính nhưng đã từng bị “bóp nghẹn”

Người Trung Quốc rất thích ăn thịt gà. Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc, thịt gà chỉ đứng sau thịt lợn trong tiêu thụ nội địa, và sản lượng thịt gà chiếm 66% lượng thịt gia cầm vào năm 2021. Dữ liệu cho thấy sản lượng gà thịt của Trung Quốc là 14,7 triệu tấn vào năm 2021, tăng 100.000 tấn so với năm 2020 và tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước.

Khi nhắc đến tên các giống gà, người ta có thể kể ra một danh sách dài các dòng gà bản địa. Nhiều người trong suy nghĩ ban đầu, sẽ không nhắc đến cái tên “gà thịt lông trắng”, càng không nghĩ rằng nó là loài được tiêu thụ chính trên thị trường hiện tại của Trung Quốc. Năm 2021, gà thịt lông trắng đạt 5,8 tỷ con, sản lượng thịt chiếm 61%.

Mặc dù gà thịt lông vàng và các loại gà thịt bản địa khác của Trung Quốc có hương vị thơm ngon, nhưng chúng phát triển chậm và thường mất 60 -100 ngày để được xuất chuồng, còn gà thịt lông trắng có nguồn gốc từ phương Tây thì hơn 40 ngày đã có thể xuất chuồng, đáp ứng nhanh cho nhu cầu thị trường.

Dòng gà thịt lông trắng thuần chủng có ưu điểm là hiệu suất chuyển hóa thức ăn cao, tỷ lệ thịt cao và mức độ quay vòng cao. Nhờ đó, các nhà hàng thức ăn nhanh lựa chọn gà thịt lông trắng làm nguyên liệu và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

“Kể từ đầu thế kỷ 20, các công ty ở phương Tây đã tham gia vào việc chọn lọc và nhân giống gà thịt lông trắng. Đó là một thế kỷ lai tạo. Việc chăn nuôi gà thịt lông trắng của chúng tôi bắt đầu tương đối muộn, và việc nhân giống Quảng Minh số 2 mới chỉ 10 năm” – nhà nghiên cứu tại Viện Chăn nuôi và Thú y Bắc Kinh, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc Triệu Quế Bình nói.

Phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, mất khả năng thương lượng

rại gà "Quảng Minh số 2" ở Vân Nam, Trung Quốc
Trại gà “Quảng Minh số 2” ở Vân Nam, Trung Quốc – Nguồn: Internet

Trước tháng 12/2021, Trung Quốc không nắm được kỹ thuật về giống gà thịt lông trắng. Hai công ty quốc tế là Aviagen và Cobb đã chiếm hơn 90% thị phần toàn cầu, bao gồm thị trường gà thịt lông trắng của Trung Quốc với quy mô khoảng 150 tỷ nhân dân tệ.

“Trong những trường hợp bình thường, chúng tôi nhập từ 800.000 đến 1,2 triệu đôi gà giống mỗi năm, và giá thông thường là khoảng 300 nhân dân tệ một đôi” – Triệu Quế Bình giới thiệu, gà giống từ khi nhập tới lúc loại, chỉ khoảng nửa năm. Sau đó năng suất sinh sản giảm dần và phải thay thế, vì vậy nguồn giống phải nhập hàng năm”, có nghĩa là nếu chúng ta không có nguồn giống của riêng mình, chúng ta sẽ mãi phải nhập khẩu”.

(Còn tiếp)

Lê Thúy (tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây