Long An: Tiến hành tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư

STNN – UBND tỉnh Long An sẽ tổ chức Hội nghị để công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt thông tin về các chủ trương, chính sách, định hướng phát triểntiếp cận các dự án địa phương đang kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Long An, ngày 25/7/2023 tới đây, tỉnh Long An sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An. Hội nghị diễn ra tại hội trường Thống Nhất UBND tỉnh với quy mô dự kiến có khoảng 600 đại biểu tham dự.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An. Ngoài việc được thông tin nội dung của quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, các đại biểu sẽ có cơ hội tìm hiểu thông tin về tình hình kinh – tế xã hội của tỉnh; tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của tỉnh…

Tỉnh Long An sẽ tiến hành tổ chức công bố quy hoạch, xúc tiến thương mại và ký kết thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư vào ngày 25/7/2023.

Cùng với đó, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nắm bắt được thông tin về các chủ trương, chính sách của tỉnh, định hướng phát triển của tỉnh; đồng thời, tiếp cận được các dự án mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư để nắm thông tin.

Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, UBND tỉnh Long An sẽ tổ chức trao Quyết định chủ trương/Giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với các nhà đầu tư. Đây cũng dịp để các nhà đầu tư gặp gỡ, học tập kinh nghiệm và hợp tác.

Được biết, ngày 13/6/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 686/QĐ-TTg. Theo đó, tỉnh Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch.

Công tác lập quy hoạch của tỉnh Long An đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của các Cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy Long An, Hội đồng nhân dân tỉnh và UBND tỉnh Long An; sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Nội dung quy hoạch tỉnh Long An có nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển và mục tiêu của tỉnh đến cuối thời kỳ quy hoạch cũng như tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đề ra các khâu đột phá để phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Long An có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phù hợp với Chiến lược phát triển của Quốc gia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; từ đó, mở ra cơ hội phát triển mới, mang lại giá trị mới cho tỉnh Long An.

Đáng chú ý, theo nội dung quy hoạch tỉnh Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có các phương hướng phát triển của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản được đánh giá là rất quan trọng.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản là một trong những ngành quan trọng được UBND tỉnh Long An chú trọng phát triển trong thời gian tới.

Cụ thể, quy hoạch đã định hướng phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, quy mô phù hợp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng các thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng đất hiệu quả, linh hoạt.

Phát triển 4 nhóm cây trồng chủ lực gồm: lúa, rau, thanh long và chanh. Trong đó, xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao đạt trên 80% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh. Hình thành vùng sản xuất rau tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Phát triển vùng trồng thanh long tập trung tại các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa và TP. Tân An. Vùng trồng chanh tập trung tại các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và Đức Hòa. Vùng sản xuất dưa hấu luân canh trên đất lúa tai các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường.

Phát triển ngành chăn nuôi tập trung, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Phát triển vùng chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ, Thủ Thừa; vùng chăn nuôi bò sữa ở các huyện ven đô thị. Phát triển gia cầm tại các huyện Thạnh Hóa, Bến Lức, Cần Đước, Đức Hòa, Cần Giuộc và chăn nuôi heo tại các địa phương.

Phát triển lâm nghiệp gắn với đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ phát triển rừng. Tập trung phát triển Khu bảo tồn đa dạng sinh học – cây dược liệu Đồng Tháp Mười và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Mở rộng diện tích rừng phòng hộ, phát triển rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu.

Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở phía Tây và phía Đông vùng Đồng Tháp Mười. Phát triển vùng thủy sản nước lợ tại các huyện Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ.

Anh Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây