Nỗ lực xử lý đất tồn dư dioxin tại sân bay A Sho (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế)

STNN – Kết quả khảo sát xác định, khu vực ô nhiễm tại sân bay A Sho với diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5,0ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3.

Vận chuyển vật liệu ra công trình.

Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A Sho (H. A Lưới) làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải chất độc ở khu vực miền Trung.

Qua kết quả khảo sát xác định, khu vực ô nhiễm tại sân bay A Sho với diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5,0ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000m3. Để bảo vệ sức khỏe nhân dân và phục vụ địa phương phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Tư lệnh Hóa học đang đẩy nhanh tiến độ xử lý để sớm hoàn thành dự án.

Hàn lớp vật liệu cách ly chống thấm.

Bộ Tư lệnh Hóa học đã sử dụng, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó, đơn vị đã tăng cường lực lượng cán bộ, chiến sĩ cũng như cử các đồng chí có kinh nghiệm đã thực hiện nhiều dự án tương tự để tham gia vào thực hiện dự án. Đồng thời, đơn vị đốc thúc các nhà thầu phát huy tối đa nguồn lực về phương tiện kỹ thuật như máy xúc, máy đào, máy cẩu cũng như các phương tiện ô tô để vận chuyển vật liệu, đất nhiễm từ khu A sang khu B để xử lý tiêu độc, chôn lấp cô lập; Tổ chức lực lượng, phương tiện thay ca, đổi kíp làm cả ngày, lẫn đêm; Chuẩn bị tốt các phương tiện che chắn để thi công với bất cứ thời tiết nắng mưa; Làm tốt công tác tuyên tuyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có ý thức cao và sự quyết tâm đồng lòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Rải lớp vật liệu hấp thụ.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiếu, Phó Trưởng phòng Công nghệ xử lý môi trường – Viện Hóa học môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học cho biết: Với dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A Sho, chúng tôi dùng hai công nghệ để xử lý, đó là công nghệ chôn lấp cô lập và công nghệ chôn lấp kết hợp với xử lý sinh học.

Thứ nhất, về công nghệ chôn lấp cô lập, thực hiện xử lý 05 hố với khối lượng trên 30.000m3. Công nghệ chôn lấp cô lập này chúng tôi gom toàn bộ đất nhiễm và dùng bao gói để cách ly, để ngăn chặn sự phát tán nguồn ô nhiễm ra môi trường xung quanh nhằm đảm bảo chất độc không phát tán ra nguồn nước cũng như phát tán ra ngoài.

Thứ hai, là công nghệ chôn lấp và xử lý sinh học thực hiện xử lý 01 hố với khối lượng trên 6.000m3 đất nhiễm tới nồng độ trên 200ppt. Đây là một công nghệ tiên tiến cũng đã được áp dụng trên thế giới và xu thế của tương lai để xử lý chất độc hóa học những chất thải nói chung cũng như chất dioxin da cam nói riêng. Về bản chất của công nghệ xử lý sinh học đó là việc sử dụng những vi sinh vật kết hợp với những vi sinh vật của bản địa để xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm.

Quang cảnh hố chôn lấp cô lập.

Dioxin là một hóa chất vô cùng nguy hiểm đối với con người và môi trường, sau khi nhận nhiệm vụ trực tiếp vào xử lý chất độc tại sân bay A Sho thì cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Hóa học không quản ngại khó khăn, gian khổ, độc hại làm việc với tinh thần trách nhiệm cao khắc phục mọi khó khăn làm việc cả ngày lẫn đêm để sớm hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ và dự án đề ra.

Xe đặc chủng tiêu tẩy bụi phát tán ra môi trường.

Trung úy chuyên nghiệp Kiều Văn Minh, Viện Hóa học Môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học – Bộ Quốc phòng tâm sự: “Trong quá trình thi công xử lý chất độc dioxin ở sân bay A Sho, chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất là thời tiết mưa nắng thất thường, khối lượng công việc nhiều, nguồn nước ngầm chảy trong lòng đất ra đáy hố cũng nhiều, nhưng chúng tôi đã khắc phục mọi khó khăn làm cả ngày lẫn đêm để hoàn thành sớm dự án.

Xử lý tiêu độc.

Trong quá trình thi công, chúng tôi thực hiện tốt công tác bảo đảm môi trường xung quanh. Trước khi thi công, chúng tôi đã bao quanh toàn bộ hàng rào tôn để cách ly bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Hàng ngày, chúng tôi sử dụng phương tiện tiêu tẩy đặc chủng để phun giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường. Trong quá trình thi công, chúng tôi tuyệt đối chấp hành sử dụng khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ; và sau các buổi thi công thì xử lý, tiêu độc rồi mới ra khỏi khu vực – Trung úy Kiều Văn Minh chia sẻ thêm.

Chôn lấp đất nhiễm xuống hố cô lập

Thời tiết tại A Lưới nắng mưa thất thường, nên trong quá trình thi công đào múc chất nhiễm bằng phương tiện cơ giới cũng như xử lý đáy hố gặp rất nhiều khó khăn do mạch nước ngầm. Quá trình xử lý dioxin được tiến hành thận trọng tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay A Sho (A Lưới) được khởi công vào tháng 10/2020, trong hơn 2 năm triển khai, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mưa bão kéo dài, nên đến nay Bộ Tư lệnh Hóa học đang đẩy nhanh tiến độ xử lý để cơ bản hoàn thành dự án vào khoảng cuối năm 2023, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân và tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế, xã hội.

Trần Tình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây