Triển vọng phục hồi sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

STNN – Đây là nội dung chính của buổi làm việc giữa UBND tỉnh Đồng Tháp với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, diễn ra vào sáng ngày 08/4 tại trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp.

Sếu đầu đỏ
Sếu đầu đỏ – Nguồn: Internet

Sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii) hiện được xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam.

Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong những nơi quan trọng dành cho sếu đầu đỏ ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, do môi trường sinh thái tự nhiên bị xuống cấp nghiêm trọng, các vùng đất ngập nước tự nhiên và khu vực sản xuất nông nghiệp giảm quần thể một cách nhanh chóng nên hiện nay sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia mỗi năm rất ít.

Vào năm 2021, chỉ có 3 con sếu đầu đỏ về vườn. Năm 2022, sếu có bay qua Việt Nam nhưng đến chiều chúng bay về Campuchia ngủ và đến nay vẫn chưa ghi nhận sếu về Tràm Chim.

Với mong muốn khôi phục quần thể sếu đầu đỏ, UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết biên bản ghi nhớ với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam; trong đó, bao gồm việc chuyển giao sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim.

Theo văn bản ký kết, UBND tỉnh Đồng Tháp giám sát về mặt chính quyền, cung cấp tài chính và quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim trong việc thực hiện phục hồi sếu đầu đỏ. Hội Sếu quốc tế và Hiệp hội Vườn thú Việt Nam sẽ tư vấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ chăm sóc và thả sếu.

Việc phát triển du lịch gắn với chương trình phục hồi Sếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim đang được tỉnh Đồng Tháp tính đến để phục hồi hệ sinh thái của Vườn, cũng như rà soát lại vùng đệm để phát triển sinh kế, kinh tế – xã hội của địa phương.

Được biết, sau lễ ký kết tại Đồng Tháp, đoàn công tác của tỉnh sẽ ký kết với Tổ chức Công viên Động vật học Thái Lan và tham vấn một số nội dung về công tác bảo tồn sếu của Vườn quốc gia.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia cam kết hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện chương trình phục hồi sếu đầu đỏ; đồng thời trao đổi các nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện cấp bách và lâu dài, phân kỳ mục tiêu đạt được trong 10 năm.

Sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay trên trái đất. Đặc điểm nổi bật của sếu đầu đỏ là đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật, đồng thời vằn trên cánh và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu màu xanh sừng, chân đỏ.

Con trưởng thành cao 1,5 – 1,8m, sải cánh 2,2 – 2,5m, nặng 8 – 10kg. Món ăn khoái khẩu của sếu khi về Việt Nam là củ năng kim cùng với ốc, cua, cá, chuột. Sếu đầu đỏ là một loài động vật có giá trị cao về thẩm mỹ và sinh học.

Hoàng Giáp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây