Rừng hỗn hợp bảo vệ các khu vực ven biển khỏi tác động của sóng thần tốt hơn rừng độc canh

STNN – Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đưa ra giả thuyết rằng, việc trồng rừng hỗn hợp, kết hợp nhiều loài cây khác nhau, có kiểu dáng và chiều cao khác nhau và được sắp xếp theo một cách không đồng đều hoặc ngẫu nhiên tạo ra nhiều lớp cây, thiết kế đan xen khả năng chống chịu lực sóng thần cao hơn rừng chỉ trồng một loại cây.

Ảnh vệ tinh/ảnh chụp từ trên không (phóng to) đánh giá tỷ lệ phần trăm suy giảm độ che phủ rừng ven biển do biến cố sóng thần. Bảng phía trên mô tả khu rừng ven biển trước sóng thần, bảng phía dưới minh họa khu rừng sau sóng thần. Mỗi cột biểu thị tỷ lệ phần trăm giảm độ che phủ của cây ven biển do biến cố sóng thần (1: không thay đổi, 5: 41-50%, 10: 91-100%). Trong trường hợp độ che phủ của cây giảm 91-100%, được biểu thị bằng khung màu đen ở phía dưới bên phải của ảnh, gần như tất cả cây cối đều bị sóng thần làm đổ – Nguồn: Đại học Quốc gia Yokohama.

Các khu rừng ven biển ở Nhật Bản chủ yếu được trồng thông đen (Pinus thunbergii), một loài cây có khả năng phát triển tốt trong khu vực rừng rậm hoặc trong các vùng có mật độ cây cao, nơi ánh sáng mặt trời bị hạn chế và có thể thích ứng được trong hệ sinh thái đất khô và môi trường ven biển khắc nghiệt. Sáng kiến ​​trồng rừng này có từ thời Edo (1603-1867), nhằm mục đích giảm thiểu tác động có hại của gió mạnh và cát bay. Sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản vào năm 2011 tàn phá tổng cộng 2.800 ha rừng ven biển, tác dụng bảo vệ của rừng ven biển trong việc giảm sức tàn phá của sóng thần được quan tâm chú ý nhiều hơn.

Gần đây, các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) đã phát hiện ra rằng, các khu rừng hỗn hợp ven biển có nhiều loài cây khác nhau chịu được lực sóng thần tốt hơn và ít thiệt hại hơn so với các khu rừng độc canh chỉ trồng thông đen.

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng, rừng ven biển làm giảm lực thủy động do sóng thần tác động lên các công trình và làm thay đổi sự phân tán mảnh vụn trong đất liền dựa trên mật độ và cấu trúc kích thước của cây. Tuy nhiên, sự chú ý dành cho việc khám phá vai trò của sự đa dạng loài trong các khu rừng ven biển còn hạn chế.

Nhóm nghiên cứu đã xác định tác động của sự đa dạng loài ở các khu rừng ven biển bằng cách phân tích hình ảnh vệ tinh và ảnh chụp từ trên không của các khu rừng ven biển trước và sau trận động đất sóng thần lớn ở phía Đông Nhật Bản vào ngày 11/3/2011. Mức độ thiệt hại giữa các khu rừng chỉ có cây thông đen được so sánh trước những thiệt hại xảy ra ở các khu rừng hỗn hợp gồm thông đen và các loại cây lá rộng khác.

Ảnh vệ tinh/ảnh chụp từ trên không (phóng to) đánh giá tỷ lệ phần trăm suy giảm độ che phủ rừng ven biển do biến cố sóng thần. Bảng phía trên mô tả khu rừng ven biển trước sóng thần, bảng phía dưới minh họa khu rừng sau sóng thần. Mỗi cột biểu thị tỷ lệ phần trăm giảm độ che phủ của cây ven biển do biến cố sóng thần (1: không thay đổi, 5: 41-50%, 10: 91-100%). Trong trường hợp độ che phủ của cây giảm 91-100%, được biểu thị bằng khung màu đen ở phía dưới bên phải của ảnh, gần như tất cả cây cối đều bị sóng thần làm đổ. Nguồn: Đại học Quốc gia Yokohama
Ảnh minh họa – Tác giả: ChiefHira

Hình thái rễ của các loài cây khác nhau tận dụng nhiều không gian đất và tài nguyên hơn so với các loài cây đơn lẻ. Thay vì chỉ trồng cây một cách đơn giản và đồng đều, việc trồng rừng hỗn hợp nhiều loài cây khác nhau, có kiểu dáng và chiều cao khác nhau và được sắp xếp theo một cách không đồng đều hoặc ngẫu nhiên tạo ra nhiều lớp cây, thiết kế đan xen khả năng chống chịu lực sóng thần cao hơn.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về khả năng bảo vệ sóng thần của rừng ven biển và cách tối đa hóa hiệu quả bảo vệ của nó. Takehiro Sasaki, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết : “Nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào việc phân tích các mô hình thiệt hại đối với các khu rừng ven biển do tác động của sóng thần gây ra bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh. Cần phải làm sáng tỏ các cơ chế giúp rừng hỗn hợp ven biển giảm bớt tác động của sóng thần”.

Viễn Đông

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây