Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

STNN – Đây là mục tiêu tổng quát của toàn Ngành được khẳng định trong Kế hoạch số 3924/BNN-KH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024.

Hình minh họa.

Kế hoạch phát triển Ngành năm 2024 được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát thực, đúng thực chất tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành năm 2023; dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn; từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển năm 2024 phù hợp với định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển các tiểu ngành, lĩnh vực, Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 – 2025, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.

Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu

Bối cảnh xây dựng Kế hoạch phát triển Ngành năm 2024, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển của từng lĩnh vực; đặc biệt lưu ý những vấn đề như ảnh hưởng xung đột quân sự Nga – Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới; giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao…

Mục tiêu tổng quát toàn Ngành là phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

2024: năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025

Kế hoạch số 3924/BNN-KH định hướng nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chính, cụ thể như: (1)- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; (2)- Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; (3)- Phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (4)- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chiến lược phát triển Ngành; (5)- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, miền, sản phẩm, ngành hàng; (6)- Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế; (7)- Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; (8)- Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, (9)- Kế hoạch cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Ngành; (10)- Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân.

Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và khuyến nông

Đồng thời với các nhiệm vụ, giải pháp trên là phát triển mạnh khoa học, công nghệ và khuyến nông, cụ thể: Xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu; hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; tăng cường các hoạt động khuyến nông, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Kế hoạch cần tập trung nhấn mạnh các giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng và lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số cả trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ góp phần chuyển đổi sang nền nông nghiệp chủ động, sáng tạo, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, giảm dần lao động chân tay. Xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm; hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hoàng Giáp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây