Triển khai chương trình 04-CTr/TU: Kỷ cương, kỷ luật, hiệu quả và phải đi đến đích

STNN – Sáng 2/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII tổ chức Hội nghị giao ban kết quả thực hiện chương trình quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU chủ trì hội nghị.  

Quang cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Phấn đấu trong tháng 5/2024, có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2021 đến quý I/2024 là 75.755,8 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2024, ngân sách Thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng chính sách 800 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Về huyện NTM, Thành phố có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM. Phấn đấu trong tháng 5/2024, có 4 huyện đạt chuẩn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Về xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu, Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 172 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt mục tiêu Chương trình 04-CTr/TU đến năm 2025) và 65 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (còn thiếu 15 xã so với mục tiêu Chương trình 04-CTr/TU đến năm 2025).

Hiện nay, Đoàn thẩm định NTM Thành phố đã tiến hành thẩm định thêm 10 xã NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu đủ điều kiện trình UBND Thành phố công nhận. Năm 2024, các huyện, thị xã đăng ký công nhận 46 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng thêm 6 xã so kế hoạch Thành phố giao và 39 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng thêm 4 xã so kế hoạch Thành phố giao). Đối với chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu, Thành phố còn thiếu 12 xã để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại báo cáo tại Hội nghị.

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2021 đến nay, Thành phố đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP (đạt 82,9%) và còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm. Năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ vượt mục tiêu Chương trình đề ra trước 1 năm. Lũy kế từ 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm).

Về phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn, hết năm 2023, Thành phố có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 278 làng được công nhận danh hiệu làng nghề và 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 Cụm Công nghiệp và nâng tổng số Cụm Công nghiệp đã được động thổ, khởi công lên 24/43 Cụm.

Về nâng cao đời sống nông dân, tính chung quý I/2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 45,6 nghìn lao động (đạt 27,6% kế hoạch năm) và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý I/2024, Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 14.000 người với số tiền hỗ trợ 450,4 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 11,3 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 181 người với số tiền hơn 735 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,06%, trong đó, có 6 huyện không còn hộ nghèo (Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì). Đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay, có 8 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí 830,8 tỷ đồng…

Các huyện tập trung rà soát để hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tốt, nhất là việc lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Xuân có bước chủ động. Đối với khung xây dựng NTM, UBND Thành phố đã phối hợp rà soát và tổng quan chung kết quả đạt vượt trước 1 năm so với chỉ tiêu đề ra. Theo đó, đến nay, Thành phố hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các huyện tập trung rà soát để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình. Đối với các chỉ tiêu nước sạch, môi trường… đây nội dung rất rộng nên yêu cầu các sở, ngành, địa phương quan tâm, bám sát và triển khai linh hoạt các biện pháp trong thực hiện. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy hoạch, giải quyết các vấn đề liên quan đất đai, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp tình hình. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.

Không chạy theo thành tích, nêu cao trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ chính trị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, quý I/2024, với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy và UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành Thành phố, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2024 thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có thêm ít nhất 04 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố và 04 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức tham mưu UBND Thành phố, phấn đấu trong tháng 5/2024, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời, thẩm định, đánh giá kết quả xây dựng 46 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, 39 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024. Đồng chí nhấn mạnh: “Không chạy theo thành tích, phải nêu cao trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ chính trị”.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tập trung triển khai, thực hiện hoàn thành tiêu chí: “Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quản lý (chỉ số SIPAS) đạt từ 90% trở lên”.

Về phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tập trung chăm sóc cây con vụ Xuân 2024, không để xảy ra dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Thành phố và hỗ trợ cho nông dân các huyện ngoại thành, các xã, thị trấn triển khai nội dung này.

Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay, đã có 3.054 xã, phấn đấu hết năm 2024, đạt được tiêu chí mỗi xã 1 sản phẩm, đề nghị các huyện cùng phối hợp với các sở rà soát lại các cơ chế, chính sách để tập trung triển khai trong quý I và quý II/2024.

Về hoạt động của các hợp tác xã và kinh tế tập thể, đề nghị các sở, ngành liên quan đánh giá lại và có đề xuất liên quan đến mô hình kinh tế tập thể.

Về phát triển ngành nghề trong khu vực nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tiếp tục triển khai các chương trình, đồng thời, đánh giá lại quy mô đầu tư hạ tầng và phát triển các làng nghề để phát huy được 327 làng nghề và các làng nghề truyền thống của Thành phố.

Đối với nội dung nâng cao đời sống của nông dân, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, cùng với hỗ trợ giải quyết việc làm, cần hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng chính sách, các quỹ đoàn thể để hỗ trợ cho người dân để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Có đánh giá sát hơn mức thu nhập thực tế của người dân.

“Về lĩnh vực đầu tư, tất cả những nội dung liên quan đến quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ đã được thông qua phải thực hiện nghiêm túc; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến tin tưởng, với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hỗ trợ của các quận đối với các huyện trong đầu tư để về đích các chương trình trong năm 2024 và các tháng đầu năm 2025.

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội.

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây