Vụ xử lý khắc phục sạt lở tại Tiên Yên – Quảng Ninh: Chính quyền địa phương lúng túng?

STNN – Quyết định xử phạt buộc khắc phục hậu quả đã có, hai bên cũng đã thống nhất và lãnh đạo huyện Tiên Yên cũng đã có kết luận để thực hiện. Tuy nhiên, việc sạt lở tại gia đình bà Hoàng Thị Tằng vẫn chưa được giải quyết khi ông Phạm Văn Khánh bỗng nhiên “lật kèo”.

Địa phương bất lực hay bao che?

Liên quan đến việc sạt lở tại khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng (SN 1961) do ông Phạm Văn Khánh (SN 1960) gây ra, ngày 19/7/2023, UBND thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) có giấy mời số 53/GM-UBND để mời Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Yên (Phòng TN-MT) cùng một số lãnh đạo thị trấn, khu phố và bà Hoàng Thị Tằng, ông Phạm Văn Khánh đến dự buổi làm việc xác minh, kiểm đếm tài sản cây bị thiệt hại trên khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng. Theo đó, thời gian làm việc sẽ từ lúc 8h30 ngày 20/7/2023 tại khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng (KP Long Tiên, thị trấn Tiên Yên).

Tuy nhiên, ngày 20/7/2023 tại thị trấn Tiên Yên có mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (suy yếu thành áp thấp nhiệt đới), cho nên UBND thị trấn Tiên Yên đã ra thông báo hoãn buổi làm việc xác minh, kiểm đếm tài sản cây bị thiệt hại này.

Theo một đại diện của gia đình bà Tằng cho biết, gia đình rất lo lắng bởi hiện tượng sạt lở tiếp tục diễn biến trong mùa mưa bão nếu hậu quả không sớm được khắc phục; và gia đình muốn biết cụ thể thời gian UBND thị trấn Tiên Yên sẽ thực hiện việc kiểm đếm cây, cắm mốc ranh giới. Trong ngày 20/7/2023, đại diện của gia đình đã đến UBND thị trấn Tiên Yên gặp lãnh đạo địa phương để tìm hiểu.

Khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng đã có vết nứt rất lớn và chưa biết sẽ bị sạt lở lúc nào.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Nhanh – Chủ tịch thị trấn Tiên Yên cho biết, việc kiểm đếm sẽ được tiến hành thực hiện vào khoảng ngày 25/7/2023. Đối với việc cắm mốc ranh giới đất, ông Nguyễn Văn Nhanh cho rằng, UBND huyện Tiên Yên giao cho Phòng TN-MT, và UBND thị trấn chỉ phối hợp cắm mốc ranh giới.

“Về cắm mốc ranh giới thì phải có cả 2 bên gia đình cùng nhất trí hay không nhất trí, và đến nay vẫn chưa thực hiện được rõ nội dung này. Để cắm mốc ranh giới thì phải có cả 2 bên gia đình cùng thống nhất ký kết với nhau. Đến bây giờ đã mời (ông Khánh) lên 2 lần để thực hiện, phân tích rồi nhưng việc xác định ranh giới thì họ (ông Khánh) không nghe. Hôm trước, kiểm trên máy xong đến khi ra thực địa họ có nghe đâu” – ông Nhanh nói.

Bên cạnh đó, ông Nhanh cũng cho biết thêm: “Anh nghe thông tin là nhà ông Khánh đang gửi đơn ra tòa án, các nội dung vụ việc khi mà tòa án tiếp nhận thì sẽ mời huyện, thị trấn và các bên liên quan để người ta thẩm định rồi có thể tòa án sẽ bác hay tiếp nhận đơn”.

“Chúng tôi sẽ thực hiện việc kiểm đếm, khi kiểm đếm xong 2 bên ký xác nhận vào biên bản. Sau đó, chúng tôi đưa biên bản về để thẩm định giá trị theo bảng giá quy định của tỉnh Quảng Ninh rồi gửi lại cho 2 gia đình. Bây giờ nhà ông Khánh đang gửi đơn ra tòa án thì sau này có thiệt hại thêm thì nội dung đó tòa án sẽ xác định tiếp” – ông Nhanh nói thêm khi đại diện gia đình bà Tằng thắc mắc nếu bị sạt lở thêm trong thời gian chưa được khắc phục hậu quả.

Trao đổi với PV về những thông tin mà ông Nguyễn Văn Nhanh – Chủ tịch thị trấn Tiên Yên đưa ra, đại diện gia đình bà Tằng cho biết: “Tôi không hiểu tại sao, đến nay, chính quyền địa phương vẫn không có chế tài mạnh hơn để sớm khắc phục để gia đình tôi được yên tâm trong mùa mưa bão này. Cũng may cơn bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhẹ, chứ bão mà ập vào thì sẽ không biết chuyện gì xảy ra với gia đình tôi nữa”.

“Quyết định xử phạt cũng buộc ông Khánh phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Kết luận tại buổi làm việc ở UBND huyện cũng đã thống nhất là ông Khánh sẽ bồi thường thiệt hại và xây kè ngăn sạt lở cho nhà tôi. Gia đình tôi cũng đã sẵn sàng hiến 75m2 đất bị chồng lấn để sớm được thực hiện việc khắc phục. Vậy nhưng, nay lãnh đạo thị trấn lại bảo gia đình tôi chờ tòa án xử lý tiếp, dù chưa biết tòa án có thụ lý đơn của nhà ông Khánh hay không. Thật sự không hiểu nổi là thị trấn đang bất lực hay đang muốn bao che cho nhà ông Khánh đây?” – người này nói thêm.

Gia đình bà Hoàng Thị Tằng đang rất lo sợ khu đất sẽ tiếp tục bị sạt lở trong mùa mưa bão nếu không được sớm khắc phục…

Thủ tướng từng chỉ đạo phòng chống sạt lở

Ngày 01/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 607/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ. Công điện nêu: Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương, sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ, sạt lở đất do mưa lớn xảy ra ở miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo về phòng, chống sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng.

Trong đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng phòng, chống thiên tai tại cơ sở: Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; đồng thời, có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh rạch, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.

Vậy thì, trong trường hợp sạt lở do “nhân tai” gây ra tại gia đình nhà bà Hoàng Thị Tằng, các lãnh đạo địa phương mà cụ thể là huyện Tiên Yên và thị trấn Tiên Yên đã làm tròn trách nhiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo cho người dân hay chưa? Tại sao mùa mưa bão đã đến rồi mà chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp nào để người dân được yên tâm? Nếu chẳng may có sự cố xảy ra thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

…Nhưng lãnh đạo UBND thị trấn Tiên Yên lại cho biết, nếu thiệt hại sau khi kiểm đếm, sẽ có tòa án giải quyết dù chưa biết lúc nào tòa án mới thụ lý đơn của ông Phạm Văn Khánh.

Thiết nghĩ, UBND huyện Tiên Yên và UBND thị trấn Tiên Yên sớm có biện pháp, chế tài xử lý để khắc phục triệt để tình trạng sạt lở tại khu đất của hộ gia đình bà Hoàng Thị Tằng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không thể chờ để đến khi tòa án xử lý như lời nói của ông Nguyễn Văn Nhanh – Chủ tịch thị trấn Tiên Yên. Bởi, nếu không khắc phục xử lý sớm thì biết đâu nơi đây lại có thêm “thảm cảnh” sạt lở như ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) mới đây.

Minh Quang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây