Độc đáo Lễ hội đấu vật làng Sình ở Huế

STNN – Là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người bản địa, được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội đấu vật làng Sình được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, TP. Huế (Thừa Thiên Huế).

Lễ hội đấu vật làng Sình được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (làng Sình), xã Phú Mậu, TP. Huế (Thừa Thiên Huế).

Người dân ở xã Phú Mậu cho biết, Hội vật làng Sình truyền thống đã có lịch sử hơn 200 năm và phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật này khác hẳn với hội vật ở các làng quê khác bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày Tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ.

Thuở xa xưa, làng Sình chỉ là bãi đất bồi của 3 nhánh sông hợp lại. Nơi đây địa thế bằng phẳng, rộng rãi nên được các chúa Nguyễn trưng dụng làm nơi luyện tập võ thuật của quân lính triều đình. Khi quan quân triều đình chúa Nguyễn về nơi đây luyện tập võ công, làng Sình có một trang thiếu niên vì say mê với những chiêu đấu vật của các võ tướng nên đã đi theo tòng quân.

Trải qua nhiều trận mạc, chiến tranh kết thúc, trang thiếu niên này trở về làng lập gia đình rồi sau này bày ra hình thức đấu vật cho con cháu trong nhà cùng luyện tập nâng cao sức khỏe. Người này sau này được làng tôn lên làm ông Tổ môn vật.

Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng và ăn sâu vào máu của mỗi người dân ở làng Sình. Hội vật còn là một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, là điểm du lịch lý thú cho du khách mỗi độ xuân về.

Đông đảo người dân đến xem hội đấu vật.

Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ; vì thế, các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… Một nét độc đáo ở lễ hội làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương, một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận, các đô vật phải chờ đến năm sau mới “phục hận” được, vì thế, các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài.

Hội vật Làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí cho lớp trẻ.

Hoàng Nghĩa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây