Giải quyết bài toán ô nhiễm không khí tại đô thị

Với hàng chục triệu ô-tô, mô-tô, xe máy đang sử dụng, lưu thông trong đó rất nhiều xe đã cũ nát, không bảo dưỡng định kỳ… đang thải ra môi trường lượng khí thải khổng lồ. Ðây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây gia tăng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, nhất là tại các đô thị lớn.

Nhìn từ trên cao Hà Nội mù mịt trong những ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho biết, theo nghiên cứu của các tổ chức về môi truờng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á.

Báo động ô nhiễm từ khí thải giao thông

Trong tài liệu tổng hợp gửi Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho biết, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục tăng cao trong những năm gần đây khiến chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức báo động. Các vấn đề cấp bách nổi cộm hiện nay là biến đổi khí hậu và giao thông, nhất là tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải giao thông… Tiến sĩ Nguyễn Thị Yến Liên, Trường đại học Giao thông vận tải cũng khẳng định từ năm 2008 đến nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục nằm trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới, mà một trong những nguyên nhân chính là từ các hoạt động giao thông vận tải.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu mô-tô, xe máy hằng ngày, khi tham gia giao thông đang thải một lượng khí thải rất lớn. Tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy (chưa tính những phương tiện từ tỉnh ngoài thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn), trong đó có hơn 2,5 triệu xe máy đăng ký trước năm 2000. Tại TP Hồ Chí Minh số lượng mô-tô, xe máy lên đến gần 8 triệu xe, trong đó lượng xe đã sử dụng trên 10 năm chiếm 67,89%.

Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông, nhất là xe máy cũ thải ra môi trường các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon (CO), hidrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx)… và đều vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lớn tới môi trường không khí đô thị cũng như sức khỏe của người dân. Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, hằng năm lượng khí thải sẽ gia tăng thêm 68.479 tấn khí CO và 4.475 tấn HC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, ô nhiễm không khí từ khí thải giao thông, nhất là từ xe máy, ô-tô cũ là nguyên nhân gây nên hàng trăm nghìn ca tử vong sớm hằng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với đó là hàng loạt các vấn đề về tim mạch, phổi, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Tác hại của khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông cũ nát tới sức khỏe con người đã rõ, nhưng việc quản lý khí thải từ các phương tiện giao thông cũ nát đó vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Mặt khác, phần lớn người dân chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng và tác hại của khí thải khi sử dụng ô-tô, mô-tô, xe gắn máy cũ; việc thu gom và xử lý xe máy cũ chưa đúng cách cũng là tác nhân gây nên ô nhiễm…

Hướng tới phương tiện xanh

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 tại Glasgow (Scotland, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ và cam kết về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ðể giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, trước mắt Việt Nam cần tăng cường giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm và có cơ chế thu hồi phương tiện cũ gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hướng tới việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài thành phố để giãn mật độ dân số trong nội đô.

Cùng chung quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh đề xuất Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể cho phát triển xe điện, trong đó xây dựng và ban hành các chính sách ưu tiên phát triển xe điện. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như trạm sạc điện, quỹ đất để bố trí trạm sạc; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc để hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giao thông xanh, chúng ta cần đánh thuế mạnh vào các phương tiện giao thông cá nhân có động cơ gây ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần điều chỉnh hành vi giao thông của người dân sang hướng dùng phương tiện giao thông công cộng; xem xét giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030…

Một số ý kiến khác cho rằng trong bối cảnh lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, các thành phố và các bộ, ngành cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển giao thông xanh; đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên; triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; ưu đãi vận tải hàng hóa chuyển từ đường bộ sang đường thủy và đường sắt… Các địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần áp dụng đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen giao thông; tích cực tham gia giao thông công cộng, tăng cường đi bộ, xe đạp.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần đề xuất quy hoạch bổ sung lắp đặt các trạm quan trắc truyền thống tại các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn quy chuẩn; nâng cấp và mở rộng mạng lưới trạm quan trắc không khí đạt tiêu chuẩn sự phân bổ đồng đều trên cả nước.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết bước đầu đã đề xuất 13 giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí đến năm 2025 như: Kiểm tra khí thải đột xuất xe cơ giới đang lưu hành; điều tra, rà soát thống kê số lượng xe cũ, đã qua sử dụng; đầu tư chín trạm quan trắc chất lượng không khí tự động.

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây