Bức tranh nông nghiệp và nông thôn Hưng Yên: Khởi sắc sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU

STNN - Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng, người dân và doanh nghiệp trong ngành, nông nghiệp và nông thôn đã có những bước phát triển vượt bậc.

STNN - Trong suốt hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, ngành nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều khởi sắc đáng kể. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng, người dân và doanh nghiệp trong ngành, nông nghiệp và nông thôn đã có những bước phát triển vượt bậc.

Lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra cơ sở sản xuất.

Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 09–NQ/TU, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở - ban – ngành liên quan xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch của đơn vị, cấp mình và tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, năm 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành mới và rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tiếp tục cho thực hiện 52 đề án, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện Nghị quyết (trong đó, ngành nông nghiệp tham mưu 28 nội dung).

Thông qua đó đã có khá đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ: Giống lúa, giống cây ăn quả, mắt ghép cải tạo nhãn vải, giống lợn, giống gà, giống thủy sản, nhà màng, nhà lưới, kho lạnh, hỗ trợ trang trại, HTX, THT, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, các phần mềm CNTT phục vụ quản lý, hỗ trợ cải tạo đất, hạ tầng sản xuất, hỗ trợ thủy lợi phí,…

Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và giải vụ, chuyển đổi từ đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hiệu quả kinh tế cao hơn. Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại, chăn nuôi tập trung theo mô hình Vietgap, theo hướng an toàn sinh học. Đối với thuỷ sản, chỉ đạo tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, loài nuôi, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo HTX, doanh nghiệp, từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, tích cực ứng dụng công nghệ…

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản theo xu hướng giảm tỷ trọng, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương trong tỉnh; đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của người nông dân, các doanh nghiệp, trang trại, HTX, nhà vườn nên việc tổ chức thực hiện Nghị quyết trong 2,5 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: nhìn chung đã đạt hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, cơ giới hoá, kinh tế hợp tác, phát triển nông thôn, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, thuỷ lợi phòng chống thiên tai, VSATTP, an toàn dịch bệnh và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Đã ban hành mới và rà soát, bổ sung, tiếp tục cho thực hiện 52 đề án, dự án, kế hoạch, nhiệm vụ (trong đó, thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp 28 nội dung). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 2,66%/năm, đạt 106,4% so với mục tiêu Nghị quyết (MTNQ), MTNQ bình quân giai đoạn 2020-2025 là 2,0-2,5%); Giá trị thu được trên 01 ha canh tác đạt 75% so với MTNQ; Số xã được công nhận xã NTM nâng cao đạt 163,3% so với MTNQ, số xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu đạt 80% so với MTNQ; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 80,5% so với MTNQ;…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã tăng cường đầu tư và chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, bền vững và thông minh. Công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng một cách hiệu quả, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chăn nuôi đã mang lại kết quả tích cực, giúp tăng thu nhập cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.

Tỉnh cũng đã tập trung vào phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn, đảm bảo điều kiện sản xuất và giao thông thuận lợi. Điều này đã giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận công nghệ và thông tin mới.

Đoàn đi chấm thi tuyến đường nông nông thôn mới tại các huyện.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn cũng đã được thực hiện một cách linh hoạt và hiệu quả. Các chương trình vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng và con giống gia súc đã giúp người nông dân có điều kiện nâng cấp công nghệ sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ giá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Bảo tồn và phát triển giống gà Đông Tảo.

Tổng kết sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, bức tranh nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn cần được giải quyết. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Nguyên Đức