Dịch chuyển lao động nông nghiệp của Thái Lan, Malaixia và hàm ý cho Việt Nam

STNN – Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, cùng với đó là sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp, chuyển dịch lao động nội ngành nông nghiệp và theo đó là nông thôn ra đô thị.

Hình minh họa.

Quá trình dịch chuyển một mặt giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần tăng năng suất lao động bình quân của cả nước, mặt khác cũng tạo ra nhiều áp lực lao động việc làm và các vấn đề xã hội đi kèm như sự thiếu hụt lao động cho chính ngành nông nghiệp, vấn đề di cư, quản lý đô thị…

Để phát huy những mặt mạnh, khai thác các lợi thế của quá trình dịch chuyển lao động cũng như giải quyết các vấn đề nảy sinh do dịch chuyển lao động mang lại, Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình đi kèm; tuy nhiên, việc không ngừng cải thiện để phù hợp với sự vận hành liên tục của nền kinh tế đòi hỏi sự nghiên cứu cụ thể mang tính học hỏi và kế thừa từ bài học của các nước khác. Do vậy, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Phương Hòa tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã thực hiện đề tài: “Dịch chuyển lao động nông nghiệp của Thái Lan, Malaixia và hàm ý cho Việt Nam”.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: nhận diện các nhân tố tác động đến dịch chuyển lao động nông nghiệp của Thái Lan, Malaixia; tìm hiểu thực trạng dịch chuyển lao động nông nghiệp của Thái Lan, Malaixia; và tổng kết những bài học kinh nghiệm của Thái Lan, Malaixia và đề xuất hàm ý cho Việt Nam.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thái Lan, Malaixia và Việt Nam đều cho thấy cùng với sự đổi mới, tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm dần và tương ứng là số lao động nông nghiệp giảm, dịch chuyển dần sang khu vực phi nông nghiệp. Tuy nhiên, với mỗi đặc trưng phát triển quốc gia và đặc điểm mô hình nông nghiệp khác nhau thì sự dịch chuyển lao động nông nghiệp – phi nông nghiệp giữa các nước có những đặc trưng riêng.

Dịch chuyển lao động nông nghiệp ở Thái Lan đã có sự biến động mạnh trong 2 thập niên đầu thế kỷ 20. Trong 10 năm đầu của thế kỷ 21, nông nghiệp là ngành thu hút nhiều lao động nhất, trung bình khoảng 41,6%, tiếp đến là dịch vụ với 37,4% và công nghiệp 20,9% tổng số lao động. Trong 10 năm tiếp theo, tỷ trọng lao động trong các ngành đã có sự thay đổi. Cụ thể, ngành kinh tế có lực lượng lao động nhiều nhất tại Thái Lan giai đoạn 2010 – 2019 là dịch vụ với 42,8%, tiếp đến là nông nghiệp 35% và công nghiệp là 22,3%. Khi Thái Lan đã chuyển đổi từ một nền nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, các ngành công nghiệp sản xuất cũng chuyển từ cấp thấp hơn của chuỗi giá trị toàn cầu sang cấp cao hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cả ngang và dọc vẫn chưa hoàn thành, tỷ lệ lao động tham gia ngành này chỉ khoảng 19% – 23%, thấp nhất trong các ngành kinh tế. Việc làm trong ngành công nghiệp bị đình trệ, trong khi phần lớn lực lượng lao động vẫn tham gia vào các công việc có năng suất thấp và quy mô nhỏ. Quá trình dịch chuyển nông nghiệp và phi nông nghiệp của Thái Lan cũng phản ánh bức tranh dịch chuyển lao động nông thôn – đô thị.

Tại Malaixia, lao động có việc làm trong nền nông nghiệp Malaixia có xu hướng ngày càng giảm về tỷ trọng so với các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế tạo và dịch vụ. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm dần theo thời gian, từ mức 26% năm 1990 xuống còn 20% năm 1995, 16,7% năm 2000, 14,6% năm 2005, 13,57% năm 2010, 12,47% năm 2015 và giảm còn 11,29% năm 2017. Đây là điều khác biệt so với mô hình của Thái Lan. Nông nghiệp Malaixia với 2 mô hình nông hộ và đồn điền. Trong gần 10 năm qua, lao động nước ngoài trong khu vực nông nghiệp (kể cả lĩnh vực đồn điền) luôn có quân số trên dưới nửa triệu người. Dịch chuyển lao động nông nghiệp biến thiên cùng chiều với chính sách công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu được đẩy mạnh dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, nền kinh tế đạt mức toàn dụng nhân công. Chính sách phát triển nguồn nhân lực mới từ những năm 1990 cũng thu hút số lượng lớn lao động khu vực nông nghiệp tham gia các cơ sở đào tạo nghề, các trường đại học và từ đó đẩy lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp. Tính nông nhàn và khả năng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp ra phi nông nghiệp cũng là một nét đặc trưng trong dịch chuyển lao động nông nghiệp của Malaixia.

Từ những bài học trên, đề tài đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam:

– Lựa chọn mô hình kinh tế: Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu với đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm.

– Giáo dục đào tạo nghề và đào tạo nghề nông thôn cần tập trung vào chất lượng giáo dục, đào tạo nghề. Cần có khoanh vùng đánh giá nhu cầu thị trường để có đích đào tạo thích hợp. Cần có sự kết hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ là định hướng lại lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với bối cảnh, từ đó xác định vai trò, vị trí của các yếu tố đầu vào sản xuất để phân bổ nguồn lực phù hợp.

– Chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế, vì vậy, cần phải đáp ứng các vấn đề mới phát sinh của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chuyển dịch cơ cấu lao động phải đảm bảo phù hợp với cơ cấu kinh tế không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp phải được quan tâm đặc biệt trong chính sách phát triển nguồn nhân lực.

– Dịch chuyển lao động nông nghiệp liên quan mật thiết tới di cư lao động nông thôn – đô thị. Việc quản lý lao động di cư theo hướng phát triển một thị trường lao động thống nhất, xóa bỏ các phân biệt giữa lao động đô thị và lao động nhập cư là điều kiện cơ bản và quyết định để lao động di cư hòa nhập vào đời sống xã hội nơi đến tại đô thị. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước đối với lao động di cư, cần có cơ quan đảm nhận trách nhiệm này để giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nổi lên của lao động nhập cư.

– Hỗ trợ các ngành phi nông nghiệp để thu hút lao động nông nghiệp.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18381/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây