Lạm bàn về âm dương ngũ hành

Học thuyết âm dương ngũ hành là một học thuyết rất cơ bản trong triết học phương Đông. Nó được hình thành từ rất xa xưa. Có người cho rằng ngũ hành là năm ngôi sao vận động trên bầu trời. Đó là một giả thuyết. Tuy nhiên, có người còn cho rằng vận động của các ngôi sao có quan hệ gắn bó không chỉ với Trái Đất mà với cả số phận từng con người, với hoạt động sản xuất… Điều đó có tin được không?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Học thuyết này rất giá trị về mặt triết học. Nó giúp ta hiểu mọi sự vật có liên quan đến nhau, phải xem xét toàn diện, phải tìm nguyên nhân mỗi ngành mỗi nghề mỗi sự việc tùy tình hình cụ thể mà xem xét giải quyết. Âm dương ngũ hành chỉ là những khái niệm khái quát mọi sự vật đều có 2 mặt: mặt âm và mặt dương. Sự vật nọ liên quan đến sự vật kia, sinh khắc chế hóa nhau tạo sự cân bằng; còn đến sự việc cụ thể ta phải tìm nguyên nhân cụ thể. Ngay việc phân loại cái gì là âm cái gì là dương, cái gì là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong một số trường hợp cụ thể cũng rất khó, do đó ta không thể chỉ dựa vào triệu chứng bên ngoài để phân loại mà phải căn cứ vào bản chất, nếu không sẽ lẫn.

Ví dụ: Y học cổ truyền nhiều lúc không dựa vào giải phẫu sinh lý để phân loại mà “gò” vào ngũ hành. Chẳng hạn quy cho gan thuộc Mộc một thuộc tính cố định là chưa hẳn đúng vì gan có nhiều chức năng. Chỉ lấy một chức năng dự trữ glycogene làm ví dụ: Ta biết rằng để tham gia vào điều chỉnh lượng đường huyết, gan vừa là cơ quan dự trữ glycogene khi lượng đường đưa vào cơ thể quá nhiều, cơ thể sẽ biến lượng đường thừa này thành đường glycogene dự trữ trong gan như thế được hiểu là khắc, gan còn là cơ quan giải phóng glycogene để cung cấp glucose cho máu khi lượng đường huyết giảm – như thế được hiểu là sinh. Như vậy nếu quy cho gan thuộc một hành nào đó cố định sẽ là không phù hợp. Để nói một cơ quan nào đó là sinh hay là khắc ta phải tùy vào tác động của cơ quan đó tác động ra sao một cách cụ thể chứ không thể chỉ nói chung chung được. Ngũ hành sinh khắc là nói về quan hệ chức năng, thuộc tính này liên tục biến đổi tùy vào vai trò của cơ quan tham gia, ở trường hợp này nó là khắc ở trường hợp kia nó lại là sinh.

Một hiện tượng tuy về đại thể chỉ cần phân ra hai loại lực đối kháng nhau là đủ. Ví dụ: muốn giữ cho lượng đường huyết ổn định ta chỉ cần hai loại lực đối kháng nhau đưa vào và thải ra thăng bằng là được, nhưng thực tế nó chịu nhiều yếu tố chi phối nên người ta dùng tới 5 hành để khái quát về mối liên quan phức tạp đó giữa các sự vật. Đó là khái niệm chỉnh thể.

Trong nông nghiệp, người nông dân tiếp xúc với đất (Thổ) để trồng trọt; trồng cây (Mộc) và thu hoạch, dùng nước (Thủy) để tưới cây. Đặc biệt, dùng lửa (Hỏa) đốt lá, đốt củi lấy tro nuôi đất, cung cấp khoáng chất, khử chua cho đất. Đất ở bãi chăn thả trâu bò, lòng ao hồ đem đốt âm ỉ ở nhiệt độ 150-200 độ C trong khoảng 5 giờ sẽ tạo thành đất “hun khói” tốt cho trồng trọt. Sắt (Kim) để chế tác các công cụ lao động… Âm dương ngũ hành còn được áp dụng trong ngành thú y với phương pháp châm cứu chữa bệnh cho động vật.
Việc đem học thuyết âm dương ngũ hành áp dụng sang các lĩnh vực cụ thể như dự trắc, y học phong thủy, nông nghiệp… là một đề tài thú vị cần được bàn luận thêm và suy xét dưới ánh sáng khoa học.

Nguyễn Đức Tôn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây