Mô hình "Vườn trường doanh nhân" ở Sri Lanka

STNN - Mô hình "Entrepreneurial School Gardens" giúp học sinh ăn uống lành mạnh, thực hành nông nghiệp hiện đại và mở ra cho các em cơ hội nghề nghiệp.

STNN - Mô hình "Vườn trường doanh nhân" giúp học sinh ăn uống lành mạnh, thực hành nông nghiệp hiện đại và mở ra cho các em cơ hội nghề nghiệp.

Trước khi chuông vào học vang lên thông báo bắt đầu giờ học tại Trường Senkadagala ở Kandy, miền trung Sri Lanka, học sinh của trường đã bắt đầu giờ học trong vườn trường.

Sau bức tường được trang trí bằng những chai nhựa tái chế thành chậu cây với những loài cây màu sắc tươi sáng, người thì đẩy xe rùa, người thì cắt tỉa, làm cỏ, người thu hoạch trái cây và rau quả để chế biến cho bữa ăn.

Học sinh thu hoạch, trồng và chăm sóc cây rau của mình.

Một nhóm khác bắt đầu làm việc trong các vườn ươm nơi trồng các chậu hồng môn và xương rồng vốn được chăm sóc cẩn thận để bán, rau quả thu hoạch trong vườn mà không sử dụng hết cho các bữa ăn cũng được đem bán. Những người làm vườn tận tâm này là học sinh trường Senkadagala bị khiếm thị và/hoặc khiếm thính.

Học sinh ở đây được tìm hiểu về hệ sinh thái và giá trị dinh dưỡng của thảm thực vật bản địa. Trong khi học sinh khiếm thính được dạy qua ngôn ngữ ký hiệu thì những học sinh khiếm thị được đào tạo để nhận biết thực vật thông qua xúc giác và khứu giác.

Trường Senkadagala là một trong 400 trường ở Sri Lanka nơi chương trình Vườn trường Doanh nhân (Entrepreneurial School Gardens) được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thực hiện với sự tài trợ của Quỹ SDG của Liên hợp quốc.

Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy dinh dưỡng bằng cách cải thiện thói quen ăn uống lành mạnh thông qua việc trồng trọt và sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, chương trình còn nhằm mục đích khơi dậy tư duy kinh doanh của người học bằng cách giới thiệu các cơ hội bán hàng, tiếp thị như bán cây cảnh và chậu sơn tại các triển lãm và hội chợ ẩm thực.

Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy dinh dưỡng bằng cách cải thiện thói quen ăn uống lành mạnh thông qua hoạt động trồng trọt và sản xuất thực phẩm

Học sinh cũng được giáo dục về sự đa dạng trong chế độ ăn uống và dinh dưỡng, đồng thời lên kế hoạch cho khu vườn trường học của mình theo nhu cầu dinh dưỡng. Với việc áp dụng các phương pháp nông nghiệp hiện đại như sử dụng màng phủ nhựa và hệ thống tưới tiêu, học sinh học được cách kiểm soát sự phát triển của cỏ dại và sự xâm nhập của côn trùng cũng như cách giảm sự bốc hơi nước và xói mòn đất để tối đa hóa năng suất canh tác.

Sasala Maduwanthi, giáo viên Nông nghiệp tại trường cho biết: “Bằng cách tìm ra sự liên quan của môn hình học khi phân định các luống và ranh giới thực vật cũng như quan sát vòng đời của loài bướm bằng trải nghiệm, học sinh của chúng tôi vừa học vừa làm vườn. Chương trình này đặc biệt có lợi cho học sinh của chúng tôi vì các em được đào tạo những kỹ năng kinh doanh cần thiết cho việc tự kinh doanh trong tương lai”.

Theekshana Malinga, một học sinh khiếm thị, em đã bắt đầu làm vườn tại nhà bằng cách thực hiện các khái niệm đã học ở trường cho biết, sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và thậm chí có thể thành lập công ty của mình - một vườn ươm riêng để trồng cây hoa trong chậu để bán. Em cười rạng rỡ khi nhớ lại quan điểm của mình về dinh dưỡng đã thay đổi như thế nào kể từ khi bắt đầu chương trình, và em tự hào biết bao khi ăn thực phẩm do học sinh trong trường tự trồng vì nó không chứa hóa chất, thuốc trừ sâu độc hại lại có vị ngon nổi bật.

Piumi Madhubashini Kumarasinghe, một học sinh khiếm thính cùng trường, cũng đã bắt đầu trồng một vườn ớt và củ cải tại nhà. Em dự định một ngày nào đó sẽ thành lập vườn ươm hoa anthurium (hoa đuôi công) của riêng mình.

Kumudini Abeyruwan, Hiệu trưởng của trường, lưu ý rằng tỷ lệ vắng mặt ở trường đã giảm đáng kể kể từ khi chương trình được triển khai. Việc làm đẹp khuôn viên trường học đã có tác động tích cực đến học sinh và các kỹ năng kinh doanh thực tế mà các em học được đã nâng cao sự tự tin của các em. Chúng tôi có thể cung cấp những bữa ăn lành mạnh cho học sinh và tạo cảm giác tự tin khi biết rằng họ tiêu thụ những gì họ đã làm việc chăm chỉ”.

Một nữ sinh ở thị trấn Bandarawela, nói rằng: “Bên cạnh việc học về làm vườn, chương trình còn dạy chúng em cách nghiên cứu các khái niệm mới và cung cấp cho chúng em những kiến thức, kỹ năng thực tế hữu ích cho cuộc sống hàng ngày, bao gồm: quản lý và tái chế chất thải, thương mại hóa khu vườn và sử dụng không gian chúng ta có theo những cách hiệu quả nhất.”

Giống như ở trường Senkadagala, học sinh trường Vishaka Balika Madya Maha Vidyalaya đang học cách suy nghĩ như những doanh nhân, bán cây cảnh và chậu cây tại các triển lãm và lễ hội ẩm thực.

Để ghi nhận những nỗ lực, cả hai trường đã nhận được tài trợ bổ sung thông qua dự án. Với nguồn tài trợ này, các học sinh ở Senkadagala đã mua tấm phủ mặt đất bằng polythene để ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại và lắp đặt hệ thống tưới tiêu.

FAO thực hiện dự án với sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục Sri Lanka, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Cục Y học Bản địa và các Chánh Văn phòng các tỉnh liên quan. Các quan chức chính phủ hy vọng sẽ triển khai chương trình này trên quy mô toàn quốc.

Mahesh Attanayake, Giảng viên Nông nghiệp tại Bộ Nông nghiệp, nhận xét: “Vì sáng kiến này thúc đẩy các khái niệm tiếp thị và giá trị gia tăng, nó nâng cao kỹ năng kinh doanh của các em, giới thiệu cho các em những phương pháp nông nghiệp hiện đại và do đó sẽ tạo điều kiện cho các em có một tương lai và sự nghiệp tươi sáng .”

Điền Viên (theo FAO)