Ngành chăn nuôi lợn vượt khó

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng có xu hướng giảm dần, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng hơn một năm qua khiến người nuôi lợn lao đao, đã có những hộ và trang trại nuôi lợn bị thua lỗ. Có ý kiến cho rằng, để gỡ khó cho ngành chăn nuôi lợn, thời gian tới cần triển khai ngay và đồng bộ một số giải pháp hữu hiệu.

chăn nuôi
Nông dân xã Thủy Bằng, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) chăm sóc đàn lợn. (Ảnh Hoàng Anh)

Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi lợn hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh. Dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra ở nhiều địa phương.

Chăn nuôi an toàn sinh học trong các cơ sở chăn nuôi lợn vẫn chưa bảo đảm, dẫn đến dịch bệnh xảy ra phức tạp, nhất là ở các trang trại quy mô nhỏ và nông hộ. Nếu không cải thiện về chăn nuôi an toàn sinh học, không nâng cao trình độ về kiểm soát dịch bệnh, tổng đàn lợn sẽ biến động mạnh, gây mất cân đối cung cầu và khủng hoảng thiếu hoặc khủng hoảng thừa trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi ở nước ta còn yếu, thiếu bền vững, vẫn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hiệu lực các cam kết trong hợp tác chăn nuôi (theo liên kết dọc và liên kết ngang) chưa cao và kém hiệu lực. Các mô hình tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị chưa nhiều, việc áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại còn bất cập.

Ngoài ra, việc ứng phó thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi cũng là hạn chế lớn, gây nên nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, khiến hầu hết nông hộ còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian. Năng suất sinh sản của đàn nái còn khá thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều. Số lượng lợn bản địa ngày càng suy giảm, nguồn gien quý đang mai một dần. Việc phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế) trong chăn nuôi lợn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng…

Để khắc phục những bất cập này, thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định, Cục trưởng Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng cần thực hiện ngay một số biện pháp như: Triển khai rà soát quy mô đàn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn lợn nái theo điều kiện của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế-xã hội của từng tỉnh, thành phố, từng vùng sinh thái.

Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, nhập khẩu và bảo quản. Chia sẻ thêm về vấn đề này,Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho biết, một số mô hình chăn nuôi lợn thịt ở Tiền Giang, Lào Cai…, đã áp dụng phương pháp sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám dừa, cám gạo, giúp người chăn nuôi giảm giá thành sản phẩm từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg tăng trọng.

Hay mô hình chăn nuôi lợn bản địa áp dụng công thức tự phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tự có tại Nghệ An, Thừa Thiên Huế đã giúp giảm chi phí thức ăn. Với cách làm này, người nuôi có thể phát triển đàn lợn tốt, kiểm soát được chất lượng thức ăn, nâng cao chất lượng thịt.

Cùng với đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tập trung kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Triển khai rộng rãi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đơn cử như mô hình chăn nuôi với chế phẩm vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm, hay mô hình chăn nuôi lợn khép kín của Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội), với hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ con giống, quy trình sản xuất đến tiêu thụ, quy mô 500 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm đang đem lại hiệu quả rõ rệt.

Về lâu dài, cần xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 nước ta có từ 10 đến 12 chuỗi sản xuất liên kết lớn; khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển chế biến và đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, tạo cơ chế và hành lang pháp lý để gắn kết các tác nhân trong chuỗi, giữa sản xuất với thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng khâu giết mổ và chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi lợn. Tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh…

Theo Nhân dân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây