Nuôi ốc bươu đen, làm giàu ngay trên quê nhà Hà Tĩnh

STNN - Không cần quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu, việc chăm sóc cũng không cần quá cầu kỳ, trong thời gian vài năm trở lại đây, mô hình nuôi ốc bươu đen đang là hướng phát triển kinh tế được nhiều người dân ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) lựa chọn.
nuoi-oc-buou-den-sinhthainongnghiep-3-min-1737363123.JPG
Mô hình nuôi ốc của anh Cương ngày một phát triển tại quê nhà.

Chi phí ban đầu thấp, chủ động được nguồn thức ăn nuôi ốc…

Ốc bươu đen là loài động vật thân mềm, sống phổ biến trong tự nhiên ở các ao hồ, sông suối. Đây là loài động dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các loài thực vật có sẵn trong tự nhiên: khoai, sắn, bèo và các loại rau củ quả khác. Ốc cũng là món ăn được nhiều người ưa thích với cách thức chế biến đa dạng: nướng, luộc, xào, nấu lẩu… nên đầu ra tương đối ổn định, giá bán khá cao. Bởi vậy, thời gian qua, nuôi ốc bươu đen đang là một hướng phát triển kinh tế của nông dân ở Hà Tĩnh. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi này.

Sau nhiều năm bôn ba ở xứ người, anh Nguyễn Duy Cương, 31 tuổi, ở thôn Tân Thành (xã Tân Hương, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trở về quê nhà, quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất mình được sinh ra. Sau một thời gian tìm hiểu các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện, anh quyết định phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen, một phần vì chi phí đầu tư ban đầu thấp, phần nữa là các yếu tố địa hình và nguồn nước ở địa phương rất thích hợp để phát triển mô hình này.

nuoi-oc-buou-den-sinhthainongnghiep-1-min-1737363124.JPG
Mô hình kinh tế nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Duy Cương ngày một mở rộng.

Anh Cương cho biết: “Ốc bươu đen tuy sống ở dưới bùn, nhưng rất ưa môi trường nước sạch. Thức ăn của ốc hoàn toàn từ tự nhiên, do đó, mọi nguồn thức ăn của ốc có thể tự cung tự cấp mà không phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, do vậy không tốn kém kinh phí cho thức ăn. Ốc bươu đen đủ tiêu chuẩn sau 4 – 5 tháng là có thể xuất bán ra thị trường với giá khoảng 80.000 đồng/kg.”

“Ban đầu, tôi chỉ nuôi trên diện tích khoảng 500 m2, nhưng sau 2 năm phát triển, nhận thấy nhu cầu của khách hàng càng ngày tăng lên, đầu ra ổn định về cả trứng ốc, ốc giống và ốc thịt, nên đến nay tôi mở rộng diện tích nuôi ốc lên khoảng 6.000 m2. Thời điểm hiện tại, nguồn thu nhập từ mô hình nuôi ốc bươu đen khá ổn định. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng, mô hình kinh tế này cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng”, anh Cương chia sẻ thêm.

…Song, hành trình làm giàu cũng không ít gian nan

Để có được như ngày hôm nay, anh Cương đã gặp không ít khó khăn trên hành trình xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen. Anh chia sẻ: “Những ngày đầu, do chưa nắm được kỹ thuật - nhất là việc xử lý nguồn nước và tạo môi trường thuỷ sinh, nên khi xuống giống, ốc bị chết hàng loạt, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế. Tuy nhiên, sau khi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công trên địa bàn huyện, những khó khăn trên cũng dần được khắc phục.”

nuoi-oc-buou-den-sinhthainongnghiep-5-min-1737363122.JPG
Mô mình nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Duy Cương được chọn là mô hình kinh tế thanh niên.

Trong những ngày đầu, do mô hình nuôi ốc bươu đen còn khá mới, trang trại của anh lại ở cách xa trung tâm huyện, nên người tiêu dùng ít biết tới. Khi ấy, thị trường tiêu thụ còn hẹp, ốc chủ yếu được cung cấp cho người dân trên địa bàn lân cận. Dù gặp khó khăn, anh Cương vẫn không nản mà vẫn quyết định duy trì mô hình. Dần dần, sản phẩm ốc bươu đen của anh được người tiêu dùng biết đến, và thị trường tiêu thụ mở rộng sang nhiều tỉnh thành. Trong đó, ốc giống được cung cấp cho các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa, và Quảng Bình; trứng ốc được tiêu thụ nhiều ở tỉnh Khánh Hòa.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen, anh Cương cho biết: “Ốc là loài dễ nuôi, có thể thích nghi được với môi trường sống khá đa dạng, nguồn thức ăn chủ yếu là những sản phẩm có sẵn trong tự nhiên. Song, việc đầu tư nuôi ốc theo hướng sản xuất hàng hóa không hề đơn giản. Muốn nuôi ốc thành công, phải chịu khó, có kiến thức và kinh nghiệm. Để ốc phát triển tốt, cần có nguồn nước sạch và lưu thông thường xuyên. Sau mỗi đợt thu hoạch ốc thịt, phải cải tạo, vệ sinh lại hồ nuôi để tạo môi trường tốt nhất cho ốc phát triển. Với ốc đẻ trứng, thời gian bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, việc ấp trứng để nở ra ốc giống cần phải thực hiện đúng quy trình. Trứng được ấp trong thùng xốp để giữ để giữ độ ẩm và nhiệt độ ổn định trong khoảng 12 ngày.”

nuoi-oc-buou-den-sinhthainongnghiep-4-min-1737363122.JPG
Trứng ốc sau khi thu hoạch được bảo quản cẩn thận.

Anh Cương lưu ý: “Ốc có thể nhịn ăn từ 3 đến 6 tháng, nhưng không nên bỏ đói ốc, càng không được cho ốc ăn quá no, mỗi lần cho ăn, lượng thức ăn chỉ nên bằng 3% tổng khối lượng ốc trong ao. Việc bắt, vớt ốc cũng phải tuân thủ đúng kỹ thuật, tránh làm trầy xước vỏ ốc và sốc nước khi thả. Ốc bươu đen dễ nuôi, nhưng rủi ro khi nuôi cũng không ít, chính vì thế các hộ dân nếu đầu tư làm giàu từ ốc cần phải tìm hiểu kỹ.”

nuoi-oc-buou-den-sinhthainongnghiep-2-min-1737363123.jpg
Ốc bươu đen được gửi đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh.

Ông Lê Bá Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương thông tin: "Với những lợi thế sẵn có trên địa bàn về địa hình và nguồn nước sạch, hiện nay mô hình nuôi ốc bươu đen đang được nhiều hộ dân phát triển và nhân rộng ra các thôn trong xã. Mô hình kinh tế này đã mang lại thêm thu nhập cho người dân, từng bước nâng cao đời sống, trong đó mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Duy Cương được chọn là mô hình kinh tế thanh niên, có tính chất tiên phong trong xây dựng hướng phát triển kinh tế trên địa bàn, góp phần thúc đẩy đời sống người dân ngày một đi lên từ những lợi thế sẵn có tại địa phương.”

Hoàng Nghĩa