Trung Quốc “hắt hơi” có làm Việt Nam “sổ mũi”?

Thời gian gần đây, đã có một số dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tiếp theo. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không?

AFP 2021 / Stringer

Trong khi một số chuyên gia và tổ chức cho rằng Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng trước những biến động của đất nước tỷ dân, vẫn có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP chậm lại của quốc gia láng giềng phương Bắc sẽ không đẩy kinh tế Việt Nam vào tình trạng tiêu cực.

Việt Nam còn phụ thuộc vào Trung Quốc

Vừa qua, nhiều chuyên gia đã bắt đầu giảm mức dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vì lo ngại chiến lược “Zero Covid” của Bắc Kinh sẽ dẫn đến nhiều đợt phong tỏa hơn trước biến chủng Omicron, cũng như các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực bất động sản mà vụ Evergrande là điển hình.

Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc cũng có vẻ đã bắt đầu giảm tốc trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực thực hiện các cải cách dài hạn đầy tham vọng. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc hôm 17/1 cho biết nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo 8% và vượt chỉ tiêu trên 6% đã đề ra. So với cùng kỳ năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 4% trong quý 4/2021.

Tuy vậy, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Trong quý 3/2021, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,9%. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại xuống 5,6% so với cùng kỳ vào năm 2022, từ mức nền cao của năm 2021. Là một quốc gia kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi việc các thị trường lớn giảm tốc tăng trưởng. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam với giá trị thương mại lên tới gần 165 tỷ USD năm 2021, chủ yếu là nông sản, máy móc và linh kiện điện tử. Trung Quốc cũng đứng thứ tư trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2021 với tổng vốn đăng ký 2,9 tỷ USD. Theo các chuyên gia phân tích của chứng khoán Agriseco, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự giảm sút về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của nước này so với mức trước dịch. Đặc biệt, điều này được cho là cũng sẽ kéo chậm lại đà tăng trưởng của Việt Nam. Có cùng quan điểm trên, Chứng khoán VDSC nhận định, dù Việt Nam đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc thời gian qua nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.

Các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế năm 2022 là thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục tăng và sự phụ thuộc quá mức vào tư liệu sản xuất cũng như hàng hóa trung gian nhập khẩu từ quốc gia phương bắc. Về phần mình, VnDirect cho rằng một trong ba rủi ro của chứng khoán Việt Nam năm 2022 chính là sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc. Theo đó, nếu kinh tế Trung Quốc giảm sút mạnh hơn dự tính của thị trường, tình trạng thiếu điện hoặc nợ xấu gia tăng của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc, triển vọng xuất khẩu cũng như tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng theo.

“Khó sụp đổ”

Trong khi đó, Quỹ đầu tư VinaCapital lại cho rằng GDP của Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục khả năng phục hồi đáng kể trong năm 2022. Tổ chức này liệt kê ra 2 lý do chính. Trước hết, năm 2023 sẽ là một năm quan trọng về mặt chính trị của đất nước tỷ dân này, khi ông Tập Cận Bình có thể phá vỡ thông lệ để tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba. Thứ hai, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra giải pháp kích thích nền kinh tế để bù đắp ảnh hưởng của Covid-19, và vì vậy vẫn còn nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tiền tệ quyết liệt và kích thích tài khóa. Chính phủ nước này cũng cho thấy khả năng sử dụng cả 2 chính sách để ổn định kinh tế.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ bắt buộc (RRR) trong tháng 12. Bên cạnh đó, có thông tin Chính phủ nước này đang khuyến khích các Ngân hàng thương mại gia tăng phê duyệt các khoản vay thế chấp và mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản có tình hình tài chính tốt. Điều này cho thấy Chính phủ Trung Quốc dường như đang từng bước làm yếu dần bong bóng bất động sản. Quá trình này sẽ diễn ra dài hạn, làm chậm tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm tiếp theo. Đồng thời, VnEconomy dẫn phân tích của VinaCapital cho rằng, khó có khả năng Trung Quốc để xảy ra một cú sụp đổ nghiêm trọng đến mức khiến nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán châu Á. Dù vậy, tăng trưởng GDP suy giảm ở Trung Quốc sẽ không quá ảnh hưởng đến Việt Nam, một phần bởi vì thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam với Trung Quốc đang ở mức bình quân hơn 10% GDP của Việt Nam trong 5 năm qua (và 15% trong 2021).

“Sau cùng, trong khi chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm hơn trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách của nước này đã nói rõ rằng họ sẽ bảo vệ giá trị của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc khi đất nước chuyển đổi từ mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu sang mô hình dựa vào tiêu dùng”, VinaCapital nhận định.

Quỹ cho rằng điều này có ý nghĩa quan trọng bởi nó cho thấy Việt Nam sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu so với Trung Quốc trong những năm tới. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm hơn sẽ không dẫn đến tỷ giá hối đoái đô la Mỹ – nhân dân tệ rẻ hơn.

Ổn định quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, hai nước tăng cường xây dựng cục diện hợp tác cùng có lợi, đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng ổn định, thông suốt, cùng nhau đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vượt qua trở ngại để phát triển. Ông Hùng Ba dẫn chứng, theo thống kê của Trung Quốc, năm 2021, trao đổi thương mại giữa hai nước vượt 230 tỷ USD, tăng 19%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Trả lời TTXVN, ông Hùng Ba cho biết, ngoài dự án Cát Linh – Hà Đông, hai bên cũng phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, đảm bảo thông quan hàng hóa biên giới.

Hà Nội và Bắc Kinh cũng tích cực thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và ASEAN, đảm bảo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực đúng thời hạn, mang lại lợi ích mới cho phục hồi kinh tế khu vực.

“Hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề lợi ích cốt lõi và quan tâm chiến lược của nhau, cùng nhau thúc đẩy quan hệ quốc tế dân chủ hóa”, Đại sứ Hùng Ba nói.

Theo Đại sứ Hùng Ba, Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện đường hướng chiến lược cấp cao, giữ vững truyền thống hữu nghị giữa hai nước, làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện, bảo vệ lợi ích chiến lược chung, thúc đẩy quan hệ Trung – Việt vững bước tiến xa.

“Trung Quốc sẵn sàng giúp Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh”, Đại sứ Trung Quốc nói.

Theo nhà ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng cùng Việt Nam khai thác tốt ưu thế kết nối trên bộ và trên biển, hoàn thiện khuôn khổ hợp tác cùng có lợi, đảm bảo duy trì ổn định và thông suốt chuỗi sản xuất và cung ứng, thúc đẩy phát triển của mỗi quốc gia, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Theo Sputnik 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây