4 quốc gia hợp lực thiết lập hành lang bảo tồn biển

Tại COP26, 4 quốc gia Ecuador, Panama, Colombia và Costa Rica tuyên bố hợp lực để tạo thành một hành lang biển rộng lớn bằng cách mở rộng và sáp nhập các khu bảo tồn biển hiện có dọc theo hành lang biển Thái Bình Dương (CMAR).

Các khu bảo tồn biển cần được quan tâm hơn nữa. (Ảnh: Môi trường Du lịch)

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso phát biểu tại cuộc họp báo COP26 cho hay nước này sẽ mở rộng Khu bảo tồn biển Galápagos thêm 60.000 km2, nâng tổng diện tích khu bảo tồn lên 193.000 km2, bao trọn quần đảo cùng tên.

Phần lớn diện tích mở rộng nằm dọc rặng núi ngầm Cocos Ridge ở phía Đông Bắc quần đảo Galápagos, tạo thành tuyến di cư quan trọng được gọi là Đường bơi Cocos-Galápagos. Một phần khu vực mở rộng sẽ bị cấm hoàn toàn hoạt động đánh bắt trong khi vài khu vực khác chỉ cấm giăng lưỡi câu.

Cũng theo Tổng thống Lasso, đề xuất mở rộng là kết quả 5 tháng đàm phán với ngành đánh bắt và các ngành khác theo hướng hoán đổi nợ để ưu tiên bảo tồn, tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về điều này.

Hiện ông chưa ký sắc lệnh thành lập khu bảo tồn mới, song các chuyên gia hy vọng kế hoạch sẽ sớm được thực hiện. Trước đó, vào hồi đầu năm, các nhà hoạt động môi trường Ecuador đã từng đề nghị mở rộng Khu bảo tồn Galápagos lên 445.953 km2 tức gấp gần 3 lần diện tích hiện tại nhưng Tổng thống Ecuador khi đó là ông Lenín Moreno đã không phản hồi.

Nhận định về tuyên bố của Tổng thống, nhà sinh thái học nghề cá Alex Hearn tại Đại học San Francisco de Quito, tác giả chính đề xuất ban đầu đánh giá đây là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn bao gồm nhiệm vụ bảo vệ các loài động vật di cư đang bị đe dọa như cá nhám búa vây đen (sphyrna lewini) và rùa da (dermochelys coriacea).

Thợ lặn bơi trên lưng cá nhám voi khổng lồ tại Galápagos (Ảnh: Shawn Heinrichs)

Đặc biệt, Hearn nhấn mạnh những loài động vật di cư chỉ có thể được hưởng lợi từ khu vực mở rộng nếu Costa Rica đồng thời bảo vệ nửa còn lại của Đường bơi Cocos-Galápagos, đảm bảo rằng động vật có thể di chuyển an toàn giữa đảo Darwin và quần đảo Cocos thuộc Costa Rica cũng như các khu vực khác.

Ngay sau khi thông tin mở rộng Galápagos được công bố, Ecuador, Panama, Colombia và Costa Rica đã cùng ký tuyên bố tại COP26 nhằm thiết lập hành lang bảo tồn biển rộng lớn giữa bốn quốc gia với tổng diện tích 500.000 km2, góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ 30% khu vực biển của 4 nước vào năm 2030.

Theo Kinh tế Môi trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây