
Để đa dạng hóa sản phẩm từ cây cà phê, TS Lê Ngọc Hùng và các cộng sự ở Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo sản phẩm hỗ trợ giảm cân từ hạt cà phê xanh và phụ phẩm của quá trình chế biến cà phê, nâng cao giá trị kinh tế tăng thu nhập trong sản xuất cà phê ở tỉnh Đắk Nông”.
Theo đó, nhóm đã xây dựng quy trình chiết CGAs từ hạt cà phê xanh, lá cà phê, vỏ thịt quả cà phê. Cụ thể, các nguyên liệu từ cà phê Robusta thu hái tại Đắk Nông được nghiền thành bột mịn, sau đó chiết với ethanol 50%, thu dung dịch cao CGAs thô. Cao thô này tiếp tục được tinh chế loại bỏ caffein và protein để thu dung dịch cao chiết CGAs.
Đồng thời, nhóm tiến hành định lượng CGAs trong nguyên liệu và cao chiết tinh chế bằng kỹ thuật HPLC-DAD (sắc ký lỏng hiệu năng cao kết hợp với đầu dò DAD).
Theo kết quả định lượng, hàm lượng CGAs trong nguyên liệu hạt cà phê xanh đạt từ 7,03 – 11,21%; lá: 0,54 – 0,82%; và vỏ thịt: 1,53 – 1,85%. Như vậy, các phụ phẩm lá và vỏ thịt quả cà phê đều có thể được sử dụng làm nguyên liệu chiết cao CGAs.
Trong khi đó, hàm lượng CGAs trong cao chiết tinh chế từ hạt cà phê xanh đạt 51,14%; trong cao chiết lá đạt 51,21%; và trong cao chiết vỏ thịt đạt 50,12%.
Thực nghiệm cho thấy, có thể bổ sung chiết xuất CGAs vào bột cà phê hòa tan nguyên chất (dưới 100mg CGAs cho 1 – 1,5g bột cà phê hòa tan), làm thức uống hỗ trợ giảm cân, giảm béo phì.
Nhóm tác giả cũng đã xây dựng quy trình có thể chiết xuất CGAs quy mô 10 kg nguyên liệu/mẻ.