Tại sao người Ai Cập cổ lại sùng bái mèo?

STNN – Khi bạn nghĩ về Ai Cập, điều đầu tiên lóe lên trong đầu bạn là gì? Kim tự tháp? Các bức tranh cổ đại? Tượng Nhân sư? Hay nữ hoàng Ai Cập? Còn tôi, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện là về những chú mèo!

Mèo giữ vị trí đặc biệt trong tim mỗi người Ai Cập

Tình yêu của người Ai Cập dành cho mèo không chỉ đơn giản là vuốt ve mèo mỗi ngày, mà còn ở chỗ họ đặt sự an toàn của mèo trên cả sự an toàn của bản thân mình.

Nếu một ngôi nhà bị cháy, người Ai Cập sẽ cứu những con mèo của họ trước khi quay lại lấy những tài sản quý giá khác. Còn khi những chú mèo qua đời, gia đình của chúng sẽ cạo lông mày để tỏ lòng thương tiếc và họ sẽ tiếp tục “để tang” mèo cho đến khi lông mày mọc trở lại.

Đôi khi, những con mèo được ướp xác sau khi chết, thậm chí, chúng còn được chôn cùng với chủ để thể hiện rằng họ yêu thú cưng của mình đến nhường nào.

Ví dụ đáng kinh ngạc nhất là trận chiến Pelusium xảy ra vào năm 525 trước Công nguyên, khi Cambyses II của Ba Tư chinh phạt Ai Cập. Các câu chuyện được kể lại rằng, Cambyses biết tình yêu của người Ai Cập dành cho loài mèo rất lớn nên ông đã “tương kế tựu kế”.

Ông yêu cầu quân lính bắt thật nhiều mèo và thậm chí vẽ cả hình mèo lên khiên của họ. Trong trận chiến, ông ta đưa những chú mèo thu gom được ra làm “lính” tiên phong. Người Ai Cập, vì sợ làm tổn thương những chú mèo, nên chiến đấu một cách miễn cưỡng. Cuối cùng, họ phải đầu hàng và người Ba Tư dễ dàng chinh phục vương quốc Ai Cập.

Ngoài ra, có rất nhiều luật bảo vệ mèo trong thời cổ đại, như: Nếu một người giết chết một con mèo, thậm chí chỉ là vô tình, thì hình phạt cho họ là cái chết; hay việc buôn bán, xuất khẩu mèo sang các nước khác là bất hợp pháp.

Tại sao người Ai Cập cổ đại lại yêu mèo đến vậy?

Người Ai Cập cổ đại coi trọng mèo vì hai lý do chính: thứ nhất, vì mèo giúp họ bảo vệ mùa màng, lương thực, đồ đạc khỏi loài gặm nhấm; thứ hai, vì mèo đã ăn sâu vào hệ thống tín ngưỡng của họ.

Hình tượng mèo trong văn hóa của người Ai Cập.

Khoảng 10.000 năm trước, sau khi một vài con mèo hoang lạc vào các khu nông nghiệp, người Ai Cập bắt đầu thuần hóa chúng. Lúc bấy giờ, lương thực không dồi dào nên việc dự trữ lương thực là rất quan trọng. Người Ai Cập thuở sơ khai gặp khó khăn trong việc làm thế nào để tránh xa các loài gây hại như chuột và rắn.

Họ phát hiện ra rằng, có thể bảo vệ mùa màng bằng cách cho mèo hoang ăn. Nhiều gia đình bắt đầu để lại thức ăn cho mèo hoang, thu hút chúng thường xuyên lui tới nhà của họ. Không lâu sau, các gia đình Ai Cập đều nuôi mèo, và mèo đã giúp họ xua đuổi, tiêu diệt các loài gặm nhấm phá hoại.

Mối quan hệ này được coi là đôi bên cùng có lợi. Mèo thích sống với con người, vì chúng có nhiều thức ăn hơn từ việc tự săn mồi và cả thức ăn do loài người cung cấp. Chúng có thể tránh được mối đe dọa từ những kẻ săn mồi lớn. Còn người Ai Cập có “trợ thủ” đắc lực giúp họ xua đuổi loài chuột bọ.

Sự hiện diện của mèo rất hữu ích đối với đời sống của người Ai Cập. Vì vậy, chẳng bao lâu, những người nông dân, thủy thủ, thương nhân và hầu hết mọi người đều mang theo mèo nhà khi họ di cư. Đây là cách mà loài mèo được mang đi khắp nơi.

Niềm tin, huyền thoại và may mắn

Mèo cũng gắn liền với nhiều tôn giáo trong thời Ai Cập cổ đại. Nữ thần Maflet có hình dáng nửa mèo, nửa phụ nữ, được coi là người bảo vệ ngôi nhà và bảo vệ con người chống lại cái ác, bệnh tật. Thần có thể chiến đấu với rắn độc và bọ cạp. Nữ thần Maflet đại diện cho công lý, được mọi người rất tôn thờ.

Giờ thì bạn đã có thể biết lý do vì sao mà người Ai Cập yêu mèo đến vậy!

Huyền Diệu

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây