Nghiên cứu khả năng chữa bệnh của cây hồ đằng rễ mành

STNN - Theo nghiên cứu mới của nhóm tác giả trong nước, cao chiết từ cây hồ đằng rễ mành có tiềm năng hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm mạn tính và đái tháo đường.
cay-ho-dang-1752134047.png
Cây hồ đằng rễ mành - Ảnh: Internet.

Hồ đằng rễ mành (HĐRM), hay còn gọi là dây mành mành, dây liêm hồ đằng, có nguồn gốc từ châu Mỹ, hiện được trồng phổ biến làm cảnh tại Việt Nam. Trong y học dân gian Nam Mỹ, cây được sử dụng để điều trị các bệnh như động kinh, loét dạ dày, viêm nhiễm, lo âu và đặc biệt là tiểu đường. Một số công bố quốc tế gần đây đã xác nhận các hoạt tính sinh học của loài cây này như hạ đường huyết, chống viêm và an toàn khi sử dụng đường uống trên động vật. Tuy nhiên, tại Việt Nam, HĐRM vẫn chưa được nghiên cứu nhiều để khai thác dưới góc độ dược lý học.

Để làm rõ tiềm năng ứng dụng y học của cây, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trường Đại học Cửu Long đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá độc tính cấp, tác dụng kháng viêm và khả năng hạ đường huyết của cao chiết từ HĐRM trên mô hình chuột nhắt trắng.

Cụ thể, nguyên liệu (là phần trên mặt đất của cây được thu hái vào giai đoạn ra hoa) được làm sạch, sấy khô, tán nhỏ rồi chiết xuất với ethanol 40% để thu dịch chiết. Tiếp theo, cô đặc dịch chiết để tạo thành cao, sau đó pha loãng theo các liều định sẵn để dùng trong thí nghiệm.

Kết quả thử nghiệm độc tính cấp qua đường uống cho thấy, ở liều cao nhất được thử là 23,47 g/kg thể trọng, chuột không có biểu hiện bất thường nào trong 72 giờ đầu cũng như trong suốt 14 ngày theo dõi. Không có trường hợp tử vong nào xảy ra, chuột vẫn ăn uống, vận động, bài tiết bình thường. Điều này chứng tỏ cao HĐRM có độ an toàn cao, không gây độc tính cấp và có thể tiếp tục được thử nghiệm ở các mô hình tác dụng dược lý.

Tác dụng kháng viêm của cao HĐRM được khảo sát theo mô hình phù chân chuột gây bởi carragenin 1%. So sánh hiệu quả với thuốc chuẩn là Solupred® (prednisolone 5 mg/kg) – một corticosteroid có tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin gây viêm, nhóm nhận thấy sau 72 giờ dùng thuốc, Solupred làm giảm 79,89% mức độ phù nề. Ở liều cao hơn (2,35 g/kg), cao HĐRM cũng đạt hiệu quả tương đương, trong khi liều thấp hơn (1,175 g/kg) cho kết quả giảm viêm thấp hơn. Tuy không có hiệu quả rõ rệt trong ba giờ đầu, nhưng từ 24 giờ trở đi, cao HĐRM bắt đầu phát tác khả năng chống viêm đáng kể.

Trong nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết, nhóm sử dụng gliclazid (40 mg/kg) – thuốc điều trị đái tháo đường típ 2, có tác dụng kích thích tuyến tụy tiết insulin, làm thuốc đối chiếu. Trên chuột khỏe mạnh, sau bảy ngày sử dụng, cao HĐRM ở cả hai liều (1,175 và 2,35 g/kg) không làm giảm đường huyết so với nhóm đối chứng (uống nước cất), trong khi gliclazid gây giảm đường huyết rõ rệt. Như vậy, cao HĐRM không ảnh hưởng đến đường huyết ở cơ thể bình thường, từ đó hạn chế nguy cơ tụt đường huyết – một biến chứng nguy hiểm khi sử dụng thuốc hạ đường huyết không phù hợp.

Trong mô hình dung nạp glucose, chuột được cho uống glucose sau bảy ngày sử dụng cao HĐRM. Kết quả, cả hai liều thử nghiệm đều giúp kiểm soát mức đường huyết sau ăn, với mức đường huyết giảm nhẹ tại các thời điểm 30 phút và 120 phút sau nạp đường. Đây là cơ chế quan trọng trong việc phòng ngừa biến động đường huyết sau bữa ăn ở người tiền đái tháo đường.

Trên mô hình chuột đái tháo đường gây bằng streptozotocin, nhóm tiếp tục thử nghiệm cao HĐRM trong bảy ngày. Kết quả, gliclazid làm giảm 52% đường huyết so với nhóm bệnh lý không được điều trị. Cao HĐRM ở liều 1,175 g/kg cũng cho kết quả khả quan khi làm giảm 43,5% đường huyết, gần tương đương với thuốc chuẩn. Tuy nhiên, ở liều 2,35 g/kg, hiệu quả chỉ đạt 34,6%, cho thấy tác dụng không tăng theo liều lượng.

Theo nhóm tác giả, các nghiên cứu cho thấy cao HĐRM là dược liệu an toàn ở liều cao, có khả năng kháng viêm mạnh sau 24–72 giờ và hạ đường huyết trên mô hình bệnh lý. Đặc biệt, việc không gây hạ đường huyết trên cơ thể khỏe mạnh giúp giảm nguy cơ biến chứng, mở ra triển vọng sử dụng dược liệu này như một sản phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm mạn tính và đái tháo đường.

Nghiên cứu của nhóm tác giả được công bố trên Tạp chí KH&CN Đại học Thái Nguyên, số 5/2025.