
Trong tự nhiên, cá chuối hoa chủ yếu sống ở các sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng ngập nước, nơi có nhiều thực vật thủy sinh và có mặt ở hầu khắp các thuỷ vực ở miền núi, đồng bằng cả ở vùng nước lợ nơi có nồng độ muối thấp (Mai Đình Yên, 1978; Nguyễn Văn Hảo, 2005). Chúng cũng phân bố tự nhiên ở nhiều quốc gia Nhật Bản, Nam Trung Quốc, Đài Loan và Philippines (Water and James, 2004). Hiện nay, nghiên cứu về cá chuối hoa ở trong nước mới chỉ có một số công trình nghiên cứu về đặc điểm phân loại và một số đặc điểm sinh học và nghiên cứu sơ bộ về sản xuất giống nhân tạo. Vì vậy, trong thời gian từ tháng 9/2019 - 8/2021, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Sản xuất thử nghiệm giống nguồn gen cá Chuối hoa (Channa maculata Lacepède, 1801) tại Bắc Trung Bộ”.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu hoàn thiện quy trình sản xuất nhân tạo giống cá Chuối hoa phù hợp với sinh thái, góp phần bảo tồn nguồn gen, đa dạng hóa đối tượng nuôi tại vùng Bắc Trung Bộ.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã xây dựng được 01 quy trình sản xuất giống cá Chuối hoa với các tiêu chí: Quy trình sản xuất giống dễ áp dụng, có hiệu quả kinh tế; Tỷ lệ thành thục > 95%; Tỷ lệ cá tham gia sinh sản > 90%; Tỷ lệ sống của cá giống 60 ngày tuổi đạt > 75%.
- Đã xây dựng thành công 2 mô hình sản xuất giống cá Chuối hoa tại Công ty TNHH Trường Hưng, tại xã Quỳnh Văn, Nghệ An và Trại thực hành nước ngọt thuộc Đại học Vinh tại Hưng Nguyên, Nghệ An. Hai mô hình đã sản xuất được 1.404.580 con giống 6-8 cm/con, khỏe mạnh, không nhiễm bệnh.
- Đã tiến hành thu thập được 590 cá bố mẹ (cỡ > 1 kg); 670 cá hậu bị (cỡ > 0,5 kg); cá khỏe mạnh, không bị bệnh.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở rất cần thiết góp phần đưa ra quy trình kỹ thuật sản xuất cá Chuối hoa giống, từ đó vừa chủ động nguồn giống phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm, vừa hạn chế đánh bắt khai thác ngoài tự nhiên.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20952/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.