Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp lớn đến Hà Nội

Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, thành phố Hà Nội xác định công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư an toàn, ổn định, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall quận Long Biên. (Ảnh Minh Hà)

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh với vốn đầu tư lớn tại Hà Nội.

Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Sau thành công của hai dự án trung tâm thương mại tại quận Long Biên (vốn đầu tư hơn 200 triệu USD) và quận Hà Đông (vốn đầu tư hơn 192 triệu USD), Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đang hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công dự án Aeon Hoàng Mai tại quận Hoàng Mai vào quý III/2022. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, cũng như của thành phố Hà Nội, tập đoàn đã quyết định triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam từ nay đến năm 2025.

Trong số đó, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư ba đến bốn dự án nữa tại Hà Nội. Đơn vị mong muốn, thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sắp tới, nhất là công tác khảo sát địa điểm để triển khai dự án Aeon Mall tại quận Bắc Từ Liêm.

Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn đầu tư trị giá 220 triệu USD của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Khu đô thị Tây Hồ Tây cũng đang “tăng tốc” để hoàn thành vào quý III/2022 đúng như kế hoạch. Khi hoàn thành dự án này, Tập đoàn Samsung kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ mới, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong tháng 5/2022, các cụm công nghiệp tại các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Thường Tín đã được khởi công. Những cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập từ giai đoạn 2019-2020, nhưng vì vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng… nên bị chậm tiến độ.

Trước thực trạng này, thành phố đã giao lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định…, phấn đấu khởi công toàn bộ 41 cụm công nghiệp trong năm 2022.

Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn N&G Nguyễn Hoàng cho biết, các nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) sẽ được hỗ trợ tối đa về mặt bằng, nhà xưởng sản xuất, chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định; đồng thời, được nhận tư vấn miễn phí các thủ tục đầu tư và các loại giấy phép, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động, ưu đãi về nhà ở cho chuyên gia và công nhân… Những ưu đãi, hỗ trợ của thành phố Hà Nội sẽ góp phần kéo các nhà đầu tư đến với Thủ đô.

Đại diện Công ty TNHH Xuân Phương cho biết, trong quá trình triển khai dự án tại huyện Đan Phượng, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành và chính quyền địa phương. Doanh nghiệp cũng nỗ lực thực hiện các thủ tục theo quy định để có thể khởi công xây dựng, hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, bốn tháng đầu năm 2022, thành phố đã thu hút được 586,6 triệu USD vốn FDI, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 96 dự án đăng ký cấp mới với số vốn 81 triệu USD, giảm 17,9% số dự án, nhưng tăng 14,9% vốn đăng ký; có 47 dự án bổ sung vốn đầu tư với 125,8 triệu USD, tăng 9,3% về số dự án và tăng 50,5% về số vốn. 110 lượt nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn, mua cổ phần đạt 379,7 triệu USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm

Ở giai đoạn mới thành lập, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, cho nên sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan chính quyền là rất cần thiết. Theo Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), bên cạnh việc duy trì tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng internet, mới đây, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình hỗ trợ 100% phí sử dụng một năm chữ ký số và 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022.

Chương trình giúp doanh nghiệp không phải sử dụng hóa đơn giấy, chữ ký tay như trước đây, thuận tiện trong quản lý và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tư vấn, giải đáp miễn phí về thủ tục pháp lý, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan… cho hơn 10 nghìn lượt doanh nghiệp. Bốn tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã có 9.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; vốn đăng ký đạt 122,4 nghìn tỷ đồng, tăng 29%; 5.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21%.

Thành phố Hà Nội còn tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Những thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Hà Nội đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận.

Theo công bố mới nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội đứng thứ 10 (đạt 68,6 điểm) trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố và được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Còn theo công bố mới đây về chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) năm 2021, Hà Nội đạt 44,45 điểm, xếp thứ 9 cả nước và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất. Các chỉ số nội dung gồm “công khai, minh bạch”, “thủ tục hành chính công”, “quản trị điện tử” nằm trong nhóm có điểm cao nhất, trong khi năm 2020 không có chỉ số nào nằm trong nhóm này…

Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều điểm bất cập, thiếu bền vững, sức cạnh tranh với một số tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, Bình Dương… còn thấp. Theo các doanh nghiệp, việc tìm kiếm mặt bằng ở Hà Nội khó khăn hơn, đồng thời, chi phí thuê, mua đất, chi phí nhân công ở Hà Nội… cũng cao hơn.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm là vẫn ở mức trung bình. Thành phố vẫn còn nhiều dư địa để đổi mới, cải cách và cần tiếp tục phấn đấu cải thiện hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Tương tự, chỉ số cải cách hành chính của thành phố năm 2021 dù có tăng hơn 2 điểm so với năm trước, song vị trí xếp hạng lại tụt từ thứ 8 xuống thứ 10. Điều này cho thấy, nếu không muốn tụt hậu so với các địa phương khác, thành phố cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường…

Với quyết tâm nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp… Trong buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng một lần nữa khẳng định mạnh mẽ thông điệp của thành phố: “Hà Nội quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài, nhất là đầu tư cho công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường”.

Theo Nhân dân 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây