
Hươu xạ nằm trong danh mục nhóm IB cực kỳ nguy cấp và quý hiếm với số lượng chỉ còn khoảng 50 cá thể tại Việt Nam (số liệu ước tính năm 2023). Hiện nay, hươu xạ vẫn phải đối mặt với áp lực nặng nề từ việc săn bắt và đặt bẫy, cũng như sự phân mảnh môi trường sống.
Đây là phân loài có tầm vóc nhỏ bé, hươu xạ trưởng thành của Việt Nam chỉ đạt trọng lượng khoảng 15 kg, trái lại ở Liên Xô trước đây và Trung Quốc, thì loài hươu xạ có thể nặng đến 40 kg. Hươu xạ Cao Bằng có dạng ngoài hơi giống Cheo Cheo nhưng lớn hơn nhiều, mõm chúng tròn, đầu dài và không có sừng, tai to, đuôi ngắn. Con đực có hai răng cửa dài, lòi ra khỏi mép. Con đực có tuyến xạ nằm khoảng giữa rốn và cơ quan sinh dục.
Chân cao hươu xạ cao, mảnh khảnh, chân sau dài hơn chân trước 1/3 nên khi đứng sau cao, trước thấp, lưng gù. Cả hươu xạ đực, cái đều không có sừng, không tuyến trước ổ mắt. Bộ lông dày, lông dài xấp xỉ 3 cm, thô, hơi cứng, nhẹ, xốp, phần gốc thẳng màu trắng, phần trên uốn sóng và có băng màu nâu xám, vàng nhạt xen kẽ, tạo cho bộ lông có màu nâu xám lấm tấm vàng rất đều, tứ chi có màu thẫm.

Sau phát hiện này, Fauna & Flora sẽ tiến hành phân tích dữ liệu để ước tính quy mô quần thể hươu xạ ở Cao Bằng, đồng thời làm việc với cộng đồng địa phương tiến hành đặt hệ thống bẫy ảnh nhằm ghi lại dữ liệu về các loài khác, như gấu đen châu Á. Với nhiều bằng chứng hơn về hươu xạ và các loài khác trong khu vực, chúng ta có thể đưa ra lập luận mạnh mẽ hơn cho việc mở rộng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn cao vít, điều sẽ mang lại lợi ích cho việc bảo tồn, hồi sinh và phát triển nhiều loài động vật trong khu vực.